Nỗi niềm người chăn nuôi lợn sau cuộc "giải cứu"

06:25 28/05/2017
Với sự vào cuộc của cả bộ máy chính trị đã giúp giá lợn trên thị trường tăng lên. Dù vậy, mức giá như hiện tại vẫn không thể cứu người chăn nuôi khỏi thua lỗ. Nhiều người đã vào bước đường cùng và trên bờ vực phá sản. Câu chuyện về lợn dù đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn còn đó những điệp khúc buồn.

Xã Hoàng Hoa Thám (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) là một địa bàn thuần nông. Có số lượng lợn chăn nuôi không phải quá lớn so với các địa phương lân cận nhưng đợt khủng hoảng giá lợn hiện nay cũng làm cho bà con điêu đứng.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Chiêm, một trong những hộ nuôi lợn lớn nhất xã. Làm nghề chăn nuôi gia súc đã lâu năm nên gia đình chị có một cuộc sống khá đầy đủ.

Chị Chiêm có một trang trại nuôi lợn rộng lớn và hiện đại, được áp dụng theo mô hình VAC. Điều này mang lại giá trị cao và thu nhập ổn định cho gia đình chị. Trang trại của chị có 2 khu chuồng lợn được xây mới cách đây 5 năm với kinh phí tròn 1 tỷ đồng.

Đây là những chuồng lợn hiện đại với hệ thống thông gió, làm mát, sưởi ấm, máng ăn tự động và làm khí bioga. Chị phân chia đàn lợn ra bốn loại gồm: lợn nái, lợn con, lớn nái sắp đẻ và lợn lấy thịt. Bốn loại này được chị xếp vào bốn khu vực chuồng khác nhau.

Chị Chiêm đứng trong chuồng lợn tiền tỉ bị bỏ không.

Điều này giúp chị Chiêm thuận tiện trong việc kiểm soát và chăm sóc đàn lợn có lúc lên đến cả trăm con. Gặp gỡ chúng tôi, chị buồn rầu chia sẻ: Bây giờ gia đình không còn đủ tiền để mua cám thức ăn cho lợn. Trước đây đàn lợn được chị cho ăn cám viên dinh dưỡng.

Mỗi bao cám có giá gần 250 ngàn đồng, thời điểm này không ai dám bỏ tiền ra mua. Gia đình chị phải tận dụng những nguyên liệu có sẵn để làm thức ăn cho lợn. Hằng ngày chị phải tự tay xay ngô, xay chuối rồi trộn với cám thường để cho lợn ăn.

Chị Chiêm cho biết thêm: "Bây giờ bán lợn là lỗ vốn nhưng tôi phải bán. Thậm chí còn phải nhanh chân nếu không sẽ không biết bán lợn cho ai. Cách đây vài tháng thương lái còn tranh nhau mua. Họ về tận chuồng để chọn lợn. Giờ đây giá lợn thấp cũng không có ai ngó ngàng. Một số thương lái đi xem lợn, họ ra các yêu cầu rồi hẹn ngày quay lại mua. Nhưng đến ngày hẹn không có thương lái nào xuất hiện. Tôi phải gọi điện cho rất nhiều đầu mối nhưng không ai nghe máy".

Sau này, có thương lái nào đến hỏi mua là chị bán ngay dù giá bán rẻ mạt. Một số người chăn nuôi không chấp nhận giá của thương lái chỉ còn cách "ôm lợn" chờ giá lên.

Trước đây, khi còn chăn nuôi nhỏ, mỗi lứa xuất chuồng cũng đem về thu nhập cho gia đình chị Chiêm từ 20 đến 30 triệu đồng. Lúc lập trang trại có thời điểm, gia đình chị thu về 400 đến 500 triệu đồng.

Thời điểm hiện tại, chị chiêm không dám đầu tư nuôi thêm lợn vì sợ rằng càng nuôi càng lỗ. Tổng đàn lợn trước đây của chị có gần 400 con thì nay chị chỉ nuôi 60 con cầm chừng. Chị Chiêm rưng rưng nước mắt: "Mất hết rồi chú ạ".

Cùng hoàn cảnh với chị Chiêm là anh Nguyễn Văn Trong, chủ một trang trại lớn trên địa bàn xã. Với kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi lợn, trải qua nhiều lần biến động thị trường nhưng anh Trong không khỏi xót xa cho tình cảnh chăn nuôi lợn hiện nay.

Thời điểm này, anh không dám đầu tư nuôi lợn thịt mà chỉ duy trì 30 con lợn nái, bán giống cầm chừng. Trước đây anh bán được từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng một con giống, nhưng nay giá chỉ còn từ 200 đến 300 ngàn đồng một con.

Anh cho biết: Cuối năm 2016, anh đã lên Phòng Nông nghiệp của huyện Ân Thi để xem số liệu của ngành chăn nuôi trên cả nước và được cảnh báo về biến động của giá lợn. Anh dự đoán giá lợn thấp nhất cũng chỉ về mức 30 đến 32 ngàn đồng/kg nên vẫn duy trì nuôi một đàn lợn lớn. Nhưng khủng hoảng giá lợn xảy ra đã gây ra thiệt hại cho anh gần 600 triệu đồng. Dù vậy, anh vẫn có niềm tin đến một ngày ngành chăn nuôi sẽ lại khởi sắc.

Rít một hơi thuốc thật sâu, anh Trong bộc bạch: "Tôi nghĩ nhà nước nên kêu gọi người dân giảm số lượng đàn lợn. Bằng mọi cách, chúng ta cần giảm số lượng lợn nái xuống, có như vậy mới bớt được số lượng lợn dư thừa cho các năm sau. Nhà nước kêu gọi mọi người mua thịt lợn, nhiều người nghĩ rằng lợn bán được nên tiếp tục nuôi. Nếu năm sau lợn lại mất giá thì câu chuyện giải cứu lợn còn tiếp tục đến bao giờ".

Anh cho rằng, những giải pháp vừa qua của Chính phủ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, không mang tính dài hạn. Anh hi vọng Chính phủ sớm ra chỉ thị để kiểm soát chặt chẽ hơn việc chăn nuôi gia súc. Có như vậy, sản lượng lợn mới không bị dư thừa, không còn cảnh giá lợn bằng giá rau.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng gần nhà, anh Trong chỉ tay vào những trang trại lợn mới mọc lên. Họ là những "tân binh" vay vốn ngân hàng để đầu tư vào lợn. Giờ đây tất cả như ngồi trên đống lửa.

Theo lời chỉ dẫn của anh Trong, chúng tôi tìm đến nhà anh Hải, một "tân binh" nuôi lợn. Anh Hải cũng buồn rầu khi dẫn chúng tôi đi xuống chuồng lợn. Cả chuồng lợn trống trơn, không còn một con lợn nào.

Anh Hải cho biết: Cách đây 2 năm anh có vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi lợn. Lứa đầu tiên với 60 con xuất chuồng mang về cho anh lợi nhuận cao. Từ đó anh tính mở rộng quy mô đàn lợn. Tổng đàn lợn 200 con năm nay của anh coi như mất trắng. Vừa lỗ vốn, vừa tiền lãi ngân hàng, giờ đây anh đang bên bờ vực phá sản.

Những hộ chăn nuôi lâu năm như anh Trong và chị Chiêm dù thiệt hại lớn, nhưng chưa đến mức phá sản do chủ động được nguồn giống, biết cách tìm đầu ra. Nhiều hộ dân còn lợi dụng chính sách dồn điền đổi thửa, sau khi có được diện tích đất rộng lớn, họ xây dựng trang trại lợn ngay.

Số lượng lợn trên địa bàn tăng lên đột biến cũng khiến thương lái có lý do để ép giá người dân.

Trước tình hình chăn nuôi trên, ông Đào Đình Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "Chính quyền chỉ có thể tư vấn chứ không thể can thiệp vào việc chăn nuôi của mọi người. Do điều kiện chúng tôi không có một cán bộ chuyên trách về chăn nuôi nhưng những khuyến cáo của Sở Nông nghiệp chúng tôi đều thông báo tới người dân. Người dân thường không quan tâm tới những thông tin thị trường mà chỉ nghe vào thương lái nên hay bị họ lợi dụng".

Tạm biệt những người chăn nuôi ở xã Hoàng Hoa Thám, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng trước những thiệt hại từ lợn mà họ đang phải gánh chịu. Dù Chính phủ đã vào cuộc với chiến dịch giải cứu lợn lớn chưa từng có nhưng với mức giá bán như hiện nay hầu như người nuôi lợn chỉ có thể "cắt lỗ" chứ không thể "bù lỗ" được và để những bi kịch từ lợn không còn, người chăn nuôi nên chủ động cứu mình trước khi trông chờ vào những giải pháp của Chính phủ.

Người chăn nuôi cần nhạy bén nắm bắt quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường. Khi cung vượt cầu ắt xảy ra dư thừa, rớt giá. Hiện nay số liệu ngành chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật và phân phát về từng địa phương.

Người dân nên chủ động nắm bắt thông tin để tính toán số lượng chăn nuôi cho phù hợp, điều này cũng giúp họ tránh bị thương lái ép giá. Chăn nuôi bền vững chính là yếu tố quan trọng để người dân làm chủ được thế cuộc, tự cứu mình trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Nhật Trường

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã làm rõ sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) trong việc: Khai thác quặng titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp; Khai thác, xuất bán quặng titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Như Báo CAND đưa tin, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm do đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cầm đầu. 16 đối tượng trong băng nhóm phạm tội gì, hoạt động phạm tội cụ thể của băng nhóm này như thế nào, chúng tôi tiếp tục thông tin cùng bạn đọc...

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngày 7/11, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141 và công tác phòng, chống tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP, chủ trì hội thảo.

Ngày 7/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm có kháng cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Nguyễn Cao Trí và bị hại…

Đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, từng cầm đầu băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm trước đây. Bình có bản tính lỳ lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.

Nhắc lại vụ Công ty Pharos của FLC nâng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ trong 3 năm 2014-2016; vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu để tránh "sự đánh tráo" với các nhà đầu tư.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文