Quyết liệt chống buôn lậu những ngày cuối năm
Kỳ cuối: Những phi vụ buôn lậu tiền tỷ trên biển
Xăng dầu, than, khoáng sản, thuốc lá, phân đạm, hàng gia dụng là những mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất trên tuyến biển từ Bắc đến Nam. Đây cũng là thời gian cao điểm mà lực lượng Cảnh sát biển triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán.
Phá những vụ buôn lậu dầu “khủng”
Chia sẻ với chúng tôi về việc phá vụ buôn lậu dầu có giá trị hàng hóa bán phát mại lên tới 89 tỷ đồng, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển cho hay, đây là vụ buôn lậu dầu trên biển lớn nhất từ trước đến nay. Hai tàu chở dầu bị bắt giữ có quốc tịch Singapore, mỗi tàu có 15 thuyền viên, vận chuyển một lượng dầu rất lớn, cập mạn trái phép trong nội thủy của Việt Nam.
Để phát hiện được hai tàu chở dầu lậu “khủng” này, lực lượng Cảnh sát biển đã phải mất nhiều ngày theo dõi, xác minh và xử lý. Theo kết quả điều tra thì ngày 4-10, tại khu vực cách đảo Cồn Cỏ về phía Tây khoảng 2 hải lý (thuộc vùng nội thủy Việt Nam), lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện 2 tàu chở dầu không treo cờ quốc tịch và cờ Việt Nam.
Tiếp cận kiểm tra, xác định hai tàu có tên là Charlotte và Pacific Ocean đang có hành vi neo đậu, cập mạn trái phép trong nội thủy của Việt Nam. Theo lời khai của thuyền trưởng – ông Wismart Marthin (quốc tịch Singapore) thì trên tàu đang vận chuyển 9.015,634m3 dầu DO từ Singapore đi cảng Shen Zhen (Thẩm Quyến, Trung Quốc).
Lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ tàu chở thuốc lá lậu với số lượng lớn. |
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng chỉ xuất trình được 1 giấy biên bản (photo) xác định khối lượng của từng tầng hầm. Tàu Pacific Ocean chở 100m3 dầu, thuyền trưởng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng Cảnh sát biển đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng tàu Charlotte là 170 triệu đồng và tàu Pacific Ocean là trên 160 triệu đồng.
Ngày 11-12-2017, khi chủ tàu kiêm chủ hàng đã nộp đủ tiền phạt, lực lượng Cảnh sát biển đã phóng thích và dẫn giải 2 tàu trên ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Xăng dầu vẫn là mặt hàng buôn lậu “nóng” nhất trên tuyến biển hiện nay. Lợi dụng vùng biển rộng, các đối tượng mua dầu của các tàu nước ngoài (hoặc của người Việt Nam) với giá rẻ không có hóa đơn chứng từ hoặc các tàu nước ngoài hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ để chứng minh quốc tịch, thông tin về tàu.
Việc mua bán dầu thường diễn ra tại khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị phát hiện đối tượng nhanh chóng ra khỏi vùng biển Việt Nam. Hoạt động mua bán xăng dầu lậu không chỉ có đối tượng hoạt động thường xuyên, mang tính chuyên nghiệp mà đã có sự tiếp tay của ngư dân.
Một số ngư dân đã sửa chữa, cải hoán phương tiện để sử dụng mua bán xăng dầu lậu, nhất là trên khu vực biển phía Nam. Thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các đối tượng mua bán, sang mạn xăng dầu trái phép của các tàu nước ngoài diễn ra trong vùng nội thủy của Việt Nam.
Điển hình là trên vùng biển cách đường phân định Việt Nam – Malaysia khoảng 27 hải lý, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra tàu BV 99489.TS do ông Nguyễn Công Phu làm thuyền trưởng, chở 80.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ.
Qua xác minh đã làm rõ, con tàu trên là tàu đăng ký tàu cá của bà Nguyễn Thị Hương, trú tại phường 7, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Theo lệnh của Đinh Tiến Đạt (con trai bà Hương), Nguyễn Minh Luận (người được Đạt thuê làm quản lý hàng hóa và tàu) đã chỉ đạo ông Phu rời cảng tại Bến Đá (TP Vũng Tàu) đi nhận dầu.
Tàu của ông Phu cập mạn tàu dầu nước ngoài bơm 150 nghìn lít dầu DO, sau đó quay về bán cho các tàu cá. Sau khi bán gần hết số dầu này, Đạt chỉ đạo Luận điều tầu tiếp tục nhận dầu cũng từ tàu dầu nước ngoài nói trên. Lần này ông Phu cập tàu bơm 80.000 lít dầu nhưng trên đường quay về thì bị phát hiện bắt giữ.
Theo lời khai của Nguyễn Minh Luân thì việc Nguyễn Tiến Đạt chỉ đạo mua bán dầu trên biển đều dùng điện thoại vệ tinh. Phương thức, thủ đoạn mua bán đều là thỏa thuận miệng. Đạt khai giá dầu mua vào là 11.300đ/lít, bán ra khoảng 12.000đ/lít. Tổng số tiền phạt của vụ việc trên là gần 100 triệu đồng.
Theo Cảnh sát biển thì các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thuê phương tiện vận chuyển xăng dầu trái phép, khi bị bắt giữ không ra trình diện. Điển hình là việc ông Đoàn Minh Châu (Bến Tre) thuê tàu BT-99887.TS của ông Đặng Văn Quý, sau đó cho lắp hệ thống bơm, đồng hồ bơm dầu cũng như gia cố hệ thống hầm hàng để vận chuyển dầu trái phép. Khi bị lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, ông Châu đang chở 100.000 lít dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam.
Kiên quyết đấu tranh, xử lý
Theo Thiếu tá Phạm Xuân Đông, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (BTL Cảnh sát biển) thì buôn lậu diễn ra trên cả 3 vùng biển, phía Bắc “nóng” nhất là than, xăng dầu, thuốc lá và hàng gia dụng; phía Tây Nam là xăng dầu, phân đạm, thuốc lá, đường cát.
Nếu như những năm trước, tuyến biển miền Trung được xem là “bình lặng” hơn cả thì năm nay có nguy cơ cao diễn ra vận chuyển hàng lậu trong dịp Tết. Với mặt hàng thuốc lá, các đầu nậu sử dụng xuồng cao tốc, vận chuyển sâu vào nội địa và lựa chọn điểm giao hàng tại các bến nhỏ, dân cư thưa, lực lượng chức năng không thường xuyên có mặt kiểm tra, giám sát.
Khi bốc dỡ hàng sử dụng lực lượng đông, tẩu tán hàng nhanh và tổ chức lực lượng cảnh giới quan sát, theo dõi lực lượng chức năng để bỏ chạy khi bị phát hiện. Khi tiếp cận hiện trường vụ việc chỉ thu được hàng hóa. Điển hình là vụ truy đuổi 1 xuồng máy trên vùng biển Quảng Ninh. Chạy đến gần bờ, các đối tượng bỏ chạy, để lại tang vật là 68.500 bao thuốc lá 555.
Năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 731 vụ/1.143 đối tượng, trong đó khởi tố 73 vụ/135 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 563 vụ/769 đối tượng. Riêng công tác đấu tranh chống buôn lậu, đã xử lý 49 vụ/56 tàu/254 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật có giá trị, tổng số tiền phát mại hàng hóa trên 162 tỷ đồng.
Theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết thì từ ngày 15-12, BTL Cảnh sát biển mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng chống tội phạm, ma túy dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018 trên toàn lực lượng.
Ngoài tập trung đấu tranh mạnh, kiên quyết với tội phạm buôn lậu, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục tuyên truyền đến bà con ngư dân không cho thuê phương tiện và chở dầu thuê để tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.