Rau sạch ở Hà Nội: Quá rẻ phải đổ cho cá ăn

00:27 13/02/2014
Ra Tết, giá rau tại các chợ không đắt lên mà còn giảm đi rõ rệt. Rau củ bán tới tay người tiêu dùng có mức giá rẻ như bèo: 1.000đ/1 củ su hào, 5.000đ/kg cà chua, 1.000đ/kg bắp cải… Người tiêu dùng vui mừng vì giá rau xuống thấp, nhưng cũng xót xa cho công sức nhà nông. >> Giá không “đội” vẫn vắng người mua

Chúng tôi tìm về vựa rau sạch lớn nhất Hà Nội - xã Văn Đức, huyện Gia Lâm và ghi nhận được nhiều nghịch lý. Một lần nữa, vấn đề giải quyết đầu ra cho bà con nông dân vùng sản xuất rau sạch lại được đặt ra.

Sáng 11/2, anh Lê Văn Giới ở thôn 2, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đánh hẳn chiếc xe công nông đến cánh đồng thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội lấy rau về cho cá ăn. Anh Giới cùng một người anh em xuống tận ruộng thu đám rau cải thảo, cả số lá già và có lẫn rau non. Chiếc xe chất rau đến tận ngọn. Nhìn những cây rau còn xanh non, tươi rói đổ đống cùng đám lá già, tôi không khỏi xót xa. Tôi hỏi: “Lấy rau cho cá ăn, anh phải trả tiền chủ ruộng bao nhiêu?”, anh Giới thốt lên: “Chúng tôi lấy rau là dọn ruộng cho người ta rồi, người ta không lấy tiền đâu”. Anh có một đầm cá rộng mênh mông, hàng ngày cứ đến vùng rau dọn ruộng cho người trồng rau là cá đã có thức ăn thỏa thích.

Hiểu sự ngạc nhiên pha lẫn xót xa của tôi, anh Trần Văn Nghị, Trưởng Ban Kiểm soát, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Văn Đức (HTX Văn Đức) giải thích: “Cải thảo bây giờ 1.000 đ/kg mà cũng không có người mua. Bà con chẳng muốn thu hoạch ấy chứ. Rau cứ để cố trên ruộng chờ khách, nhưng không thu hoạch cũng không được, đành cho người dọn hộ thôi”.

Nhìn cánh đồng rau xanh mướt mát, lại biết giá rau rẻ như bèo, ai chẳng xót xa. Giá bắp cải cân tại ruộng là 1.000đ/kg, cải thảo cũng 1.000đ/kg, mấy hôm trước còn có giá 800đ/kg; súp lơ cũng chỉ có giá 1.000đ/cây.

Rau cải thảo thu hoạch cho… cá ăn vì giá quá rẻ.

Bà Chử Thị Ánh ở thôn Chử Xá đứng giữa cánh đồng, run rẩy trong cái rét cắt da cắt thịt: “Rau rẻ quá cô ạ. Đầu vụ (khoảng tháng 8, tháng 9/2013) thì dính mưa nhiều quá, hỏng hết cả. Đợt này thì giá lại rẻ mà chẳng có người mua. Nhà tôi có gần 6 sào rau, mua cây giống, phân bón chịu cũng hết vài chục triệu, chờ thu hoạch xong thì trả tiền người ta, mà đến bây giờ có bán được rau đâu, chỗ vay thì vẫn chưa trả được”. Bà Ánh tính toán: “1.000đ/cây lơ, trong khi giá cây giống rẻ nhất cũng là 200đ/cây. Phải mất 2 tháng chăm sóc, bón phân mới cho thu hoạch. Giá rẻ như bây giờ thì chẳng lỗ sao cô?”. Còn đối với cây bắp cải loại đặc biệt thị trường ưa chuộng (bà con ở đây gọi là KK cao gốc), giá cây giống đã là 800 đồng/cây. Vậy mà trồng trọt, chăm sóc 2 tháng trời, thu hoạch chỉ được có 1.000đ/kg thì đúng là lỗ lớn.

Ở cánh đồng thôn Trung Quan, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng cũng vừa dập hết số súp lơ cũ, gốc cây vẫn gom ở rìa bờ để trồng lớp mới. 1,5 sào ruộng nhà anh cho 18.000 gốc lơ trắng, bán được khoảng 3 triệu đồng. Năm nay thị trường chuộng lơ trắng hơn lơ xanh nên dù sao thì nhà anh vẫn thu hoạch được nhưng không có lãi. 

Văn Đức là vùng sản xuất rau sạch lớn nhất Hà Nội, mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 50 tấn rau củ các loại, từ su hào, bắp cải, súp lơ, cải thảo, củ cải, cà chua, đậu… Xã có hơn 2.000 hộ dân thì có tới 95% hộ dân tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự giám sát của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch HTX Văn Đức cho biết, rau sạch được đóng gói, có bao bì, mã vạch. Tuy nhiên, khi ra thị trường, người tiêu dùng khó phân biệt được rau sạch Văn Đức vì khi đó, rau đã được chia nhỏ ra bán lẻ. Còn nếu đóng gói nhỏ thì chi phí lớn, trong khi giá rau quá rẻ.

Anh Trần Văn Nghị cho biết, hiện tại rau sạch chủ yếu đưa vào các chợ đầu mối ở Hà Nội, bán lẫn với rau vùng khác. Rau không đưa đi xa được vì khó bảo quản, không để được trong xe lạnh nên vẫn tiêu thụ chính ở Hà Nội. Thực tế ở nhiều địa phương khác cũng khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vì… được mùa rau.

“Việc tìm đến các khu công nghiệp, nơi tiêu thụ số lượng lớn, ổn định… vẫn là trăn trở của chúng tôi”, anh Trần Văn Nghị cho biết

Việt Hà

Tối 20/4, chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nhiều tuyến đường hạn chế lưu thông nên người dân cần nắm các lộ trình thay thế để không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của mình.

Nơi sản xuất thuốc giả là khu nhà kho với các loại máy móc dùng để nghiền bột, trộn, đóng gói, ép vỉ… đang bị bụi bẩn bao phủ. Các vật dụng đựng nguyên liệu là bì xác rắn, chậu nhựa cáu bẩn, nhếch nhác; nguyên liệu sản xuất thuốc giả (than tre, phụ gia, dược liệu…) phơi bày khắp nơi…

Thông thường, các tiệm vàng - vốn được xem là nơi giao dịch tài sản quý giá an toàn nhưng hiện đang trở thành mục tiêu của những đối tượng lừa đảo với thủ đoạn bán hoặc cắm vàng giả. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các tiệm vàng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Lúc 1h10 ngày 20/4, cửa hàng nội thất Lộc Nghi chuyên bán thiết bị vệ sinh, nội thất thuộc Công ty TNHH Lộc Nghi (185 đường 3/2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi nhiều hàng hóa cùng 700 m2 nhà xưởng.

Sáng mai (21/4), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng 11 bị cáo khác về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội) làm chủ tòa phiên tòa. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 9 ngày.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.