Siết chặt quản lý chất lượng nông sản
Ngày 16/6, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị rà soát công tác quản lý vật tư nông nghiệp. Những vấn đề "nóng" đang được dư luận quan tâm là việc sản xuất ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tình trạng thuốc trừ sâu giả, phân bón kém chất lượng… gây thiệt hại cho người nông dân đã được "mổ xẻ". Nhưng dường như, việc quản lý và kiểm soát vẫn đang rơi vào tình trạng càng xiết chặt càng vi phạm nhiều.
Vi phạm vẫn tăng
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật rởm ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.
Chỉ tính riêng năm 2009, kết quả kiểm tra, giám sát của các địa phương cho thấy, có gần 50% mẫu phân bón được lấy để kiểm tra có thành phần dinh dưỡng kém chất lượng so với quy định hoặc công bố. Việc phát hiện và xử lý 3 vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả đã khiến các nhà quản lý ngỡ ngàng bởi số lượng phân bón giả lên đến hàng nghìn tấn.
Ngay trong 6 tháng đầu năm 2010, báo cáo từ 9 tỉnh, thành phố đã thành lập 12 đoàn kiểm tra 268 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; lấy 383 mẫu phân bón để giám sát chất lượng. Kết quả, 138/383 mẫu không đạt, 61/268 cơ sở vi phạm.
Lý giải về việc gia tăng các vụ việc vi phạm về vật tư nông nghiệp, ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, hiện có quá nhiều các cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. "Chỉ lấy ví dụ như với riêng thuốc bảo vệ thực vật đã có tới 1.000 hoạt chất được đăng ký sử dụng, với 2.700 tên thương mại, 25.000 đại lý kinh doanh. Do vậy, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như giám sát, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các địa phương rất mỏng, thậm chí, thanh tra chuyên về phân bón, giống cây trồng tại các Sở NN&PTNT là không có...".
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần quy rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị, cá nhân nào, cụ thể như thuốc bảo vệ thực vật rởm tung hoành, thì trách nhiệm phải thuộc về Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Do vậy, ông Phát yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải xác định trách nhiệm đến từng cán bộ và có từng hành động cụ thể, chứ không nói suông, quy trách nhiệm chung chung như hiện nay.
Nguyên nhân chính của việc "nói mãi không chuyển", theo ông Phát là do hệ thống văn bản pháp luật, quy định trong quản lý vật tư nông nghiệp đã có, nhưng lại xuất hiện sự chồng chéo, vênh nhau gây nên sự bất cập trong công tác quản lý.
Rau sạch vẫn chỉ là điều người tiêu dùng chờ đợi. |
Người dân Hà Nội phải ăn thịt "bẩn" nhiều hơn TP HCM
Đáng lo ngại hơn là chất lượng thịt hàng ngày người tiêu dùng đang sử dụng hầu như đều là thịt bẩn. Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện cả nước có khoảng 17.129 cơ sở giết mổ (CSGM), tuy nhiên, chỉ có 617 CSGM tập trung, chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 3,65%, còn lại là các CSGM nhỏ lẻ.
Đặc biệt, trong hơn 17.000 CSGM trên cả nước, chỉ có 7.281 CSGM được cơ quan thú kiểm soát. Mới đây tại Hà Nội, đoàn kiểm tra của Cục Thú y đã lấy mẫu thịt lợn tại các chợ và các lò mổ để kiểm tra, kết quả cho thấy, có 4/69 mẫu nhiễm Salmonella (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm), 37/69 mẫu nhiễm S.aureus (tụ cầu khuẩn) vượt quá giới hạn cho phép. Mặt khác, kết quả kiểm tra mẫu thịt gà cũng cho thấy, 6/69 mẫu nhiễm Salamonella và 41/69 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép.
Riêng tại TP HCM, con số này cũng thấp hơn, trong số 72 mẫu thịt được kiểm tra chỉ có 7 mẫu bị nhiễm 2 loại vi khuẩn trên. Ông Thành nhận định, tỷ lệ kiểm soát trong giết mổ ở khu vực TP HCM cao hơn các tỉnh, thành miền Bắc. 97% số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ tại TP HCM có qua kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc.
"Các tỉnh, thành phía Bắc vẫn thiếu sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, quy hoạch các CSGM, trong khi cùng một hệ thống văn bản, cùng một sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, các Bộ, ngành, thì các tỉnh phía Nam hầu như đã thực hiện xong quy hoạch các CSGM, và kiểm soát được lượng lớn thịt lưu thông trên thị trường", ông Thành khẳng định.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần quan tâm đến việc xử lý hàng hóa vi phạm tận gốc, không thể duy trì việc xử phạt, xử lý vi phạm theo kiểu "hớt ngọn" như thời qua. "Ngay cả việc kiểm tra theo kiểu đoàn liên ngành cũng cần chấn chỉnh lại, và nên phân cấp cho các địa phương thực hiện thường xuyên", ông Phát chỉ đạo