TP Hồ Chí Minh: Đầu tàu kinh tế năng động

14:46 12/02/2013
Năm 2012 là năm nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1999, với tốc độ tăng GDP chỉ ở mức 5,03% (nhích hơn một chút so với mức tăng 4,78% của năm 1999), nhưng lại phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn về những yếu tố bất ổn vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, GDP trên địa bàn tăng 9,2% và chỉ số tăng CPI chỉ tăng hơn 4% (cả nước 6,78%); đời sống kinh tế vẫn giữ được nét sinh động trong những ngày cuối năm, tuy sức mua thị trường có giảm… Truyền thống năng động của người dân thành phố càng thể hiện rõ nét trong lúc gặp khó khăn nhất…

Cùng cả nước kiềm chế lạm phát và giữ tốc độ tăng trưởng hợp lý

Sự bất ổn của kinh tế vĩ mô kéo dài từ năm 2008, với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ phải ứng phó qua từng năm; trong đó nổi bật là ứng phó với áp lực lạm phát xuất hiện từ cuối năm 2007 đầu năm 2008. Bước vào năm 2012 tác dụng của các biện pháp giảm tổng cầu (chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt theo NQ11 của Chính phủ) đã tác động kìm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm. Hệ thống ngân hàng thương mại từ quý IV năm 2011 lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản của một nhóm ngân hàng thương mại yếu kém. Nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt các khoản tín dụng về bất động sản. Từ quý II năm 2012, nền kinh tế nước ta thể hiện càng rõ nét đặc điểm: như một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động; nhưng ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu như “cục máu đông” gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn; “sức khỏe” của nền kinh tế suy giảm nặng; niềm tin thị trường giảm sút; doanh nghiệp thiếu phương hướng hoạt động.

Người dân TP Hồ Chí Minh trong dịp Noen 2012.

Bên cạnh những tồn tại, do sự bất cập của cơ cấu kinh tế, tích tụ từ nhiều năm trước chưa giải quyết được căn bản, thì xuất hiện những khó khăn mới cùng với tác động rất bất ổn của thị trường thế giới, nên ngay từ đầu năm Đảng và Nhà nước đã chủ trương tiếp tục tập trung các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Do tình trạng lạm phát cao, nên vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt theo tinh thần NQ11 (áp dụng từ quý I/2011).

Từ quý II, Chính phủ triển khai Nghị quyết 13 nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường với các biện pháp như hoãn thời gian nộp thế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng; hoãn nộp tiền sử dụng đất năm 2011 cho doanh nghiệp bất động sản, chính sách tài khoá phần nào nới lỏng đầu tư công theo mức bội chi ngân sách, thực hiện giải ngân theo kế hoạch và phát hành trái phiếu trong kế hoạch được Quốc hội cho phép; tăng lương cơ bản vào 1/5/2012… đã mang lại kết quả nhất định, nhưng chưa kích thích tăng được tổng cầu của nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước rất bất lợi như vậy, có thể nói những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong năm 2012 là rất đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong tổng số 30 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2012, thành phố đạt và vượt 24 chỉ tiêu. 6 chỉ tiêu không đạt được đều là chỉ tiêu kinh tế, có quan hệ mật thiết với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm đạt 9,2%, tuy không đạt mục tiêu kế hoạch 10% đã đề ra và thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2011 (10,3%), nhưng kinh tế trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu phục hồi tốc độ tăng trưởng đã khá rõ nét. Quý III tăng 9,6%; quý IV đạt 10,2% so với mức tăng chỉ có 7,4% trong quý I.

Có thể nói, tốc độ tăng GDP trong quý IV đã đạt gần bằng mức bình quân của năm 2011. Nỗ lực kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả rất có ý nghĩa. CPI trên địa bàn cả năm chỉ tăng hơn 4,07% so với cuối năm 2011, là mức thấp nhất tính từ năm 2003 (cả nước tăng hơn 6,81%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cả năm tăng 17,3%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2011, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn đạt khá. Trong bối cảnh khó khăn chung của sản xuất, kinh doanh nhưng công tác thu chi ngân sách vẫn bảo đảm; đáp ứng yêu cầu chi đầu tư theo kế hoạch và làm tốt nghĩa vụ với TW. Việc làm và an sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

TP Hồ Chí Minh nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2013.

Trong công tác chỉ đạo điều hành khá nhạy bén và kịp thời nắm bắt vận dụng có hiệu quả các giải pháp kinh tế vĩ mô của TW, nhất là vận dụng sáng tạo NQ11 và NQ13 của Chính phủ; chủ động phối hợp với Bộ, ngành TW, nhất là với Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng; hỗ trợ thị trường và kiểm soát giá cả; hỗ trợ quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; hỗ trợ lãi suất cho khu vực nông nghiệp và nông thôn… đã mang lại những kết quả rõ nét.

Nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2013 với tinh thần của một đầu tàu kinh tế của cả nước

Với vị trí và vai trò của thành phố đối với cả nước, khi mà kinh tế trên địa bàn thành phố tăng được 1% sẽ giúp cho kinh tế cả nước tăng 0,21% và cũng sẽ đóng góp được 30% ngân sách cả nước. Vì vậy sự phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Năm 2013, thành phố xây mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các điều kiện còn nhiều khó khăn của kinh tế cả nước và tình hình kinh tế khu vực và quốc tế còn nhiều yếu tố bất ổn; đồng thời gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ thành phố về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; thực hiện thành công 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2011-2015; giữ tốc độ tăng trưởng GDP ở mức tăng trưởng cao hơn 1,5 lần mức bình quân của cả nước.

Từ những căn cứ trên, thành phố đề ra 30 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế; 12 chỉ tiêu về xã hội và 11 chỉ tiêu về môi trường là phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Thành phố không chạy theo mục tiêu số lượng về tăng trưởng, nhưng vẫn phải duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý để không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm giảm nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội và đô thị. Do đó đề ra mục tiêu tăng GDP năm 2013 vào khoảng 10%; đồng thời tập trung vào các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, thành phố tập trung vào các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; bám sát chủ trương của Chính phủ, tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành TW có liên quan, nắm chắc tình hình thực tiễn để thúc đẩy tăng tổng cầu, giúp doanh nghiệp giải quyết tồn kho; chủ động và tích cực hơn trong việc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý nợ xấu của NHTM, giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính, tháo gỡ sự tắc nghẽn về tín dụng đối với doanh nghiệp.

Thành phố phải nỗ lực cao nhất trong điều kiện có thể được, nhằm không để cho doanh nghiệp nào do không vay được vốn phải ngưng hoạt động, góp phần ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp giải thể hoặc ngưng hoạt động do những khó khăn về vốn và thị trường. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo hướng mở rộng hình thức cung cấp tín dụng cho người có nhu cầu mua nhà để ở; tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà để làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội; rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án cần tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với thị trường; phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư…

Bên cạnh nhiệm vụ trước mắt và cấp thiết nêu trên, thành phố cũng đang tập trung rà soát lại 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần NQ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX là: nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị.    

Tác động không thuận lợi của kinh tế vĩ mô cùng với những tồn tại nhiều năm của thành phố về cơ cấu kinh tế, sự bất cập của cơ sở hạ tầng đô thị, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu đầu tư với nguồn vốn ngân sách… đang là thách thức đối với thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu do Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đặt ra. Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, đòi hỏi thành phố phải có những nỗ lực đặc biệt phát huy cao nhất truyền thống năng động sáng tạo của người dân thành phố, giữ vững vị trí vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước

T.D.L. (Báo CAND Tết 2013)

Ngày 25/1 ông Kevin moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đơn vị chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để thông báo về việc công nhân viên của khu xử lý rác thải này đã quay trở lại làm việc…

Sáng 25/1, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra, làm việc về tình hình cung ứng xăng dầu Tết Ất Tỵ 2025 tại Hà Nội.

Sau khi kêu gọi nhà đầu tư, Hoàng Trung Nghĩa đăng ký nhiều ví tiền ảo để cung cấp cho các nhà đầu tư chuyển tiền ảo. Tiếp đó Nghĩa chuyển toàn bộ tiền ảo chiếm đoạt vào các ví rồi quy đổi thành tiền Việt Nam đồng trên một sàn giao dịch khác, qua đó chiếm đoạt tổng số tiền 2,35 tỷ đồng.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Khánh ngày 25/1 cho biết, cơ quan này đang tập trung truy xét, xác minh nguồn gốc hàng chục ngàn chai rượu, lon bia không rõ nguồn gốc cùng với hàng ngàn tem rượu, tem truy xuất nguồn gốc nghi vấn bất hợp pháp vừa được phát hiện, tạm giữ tại một doanh nghiệp ở địa phương.

Ngày 25/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Quốc Thăng (SN 1989, thường trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.