Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trước sức ép của hội nhập

07:54 31/03/2016
Việc thực hiện các cam kết quốc tế đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải đối diện với một sức ép rất lớn, đó là sẽ không còn được hưởng các ưu đãi, không còn những đặc quyền, đặc lợi, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân. “Sức ép sẽ thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và như vậy lộ trình tái cơ cấu theo đó sẽ được đẩy nhanh hơn so với trước”, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam Phạm Minh Đức nhìn nhận.

Việt Nam đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập. Nếu hội nhập không tốt thì cơ hội sẽ thành thách thức. “Giai đoạn mới này còn gay gắt hơn nhiều, nếu không có thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế thì cơ hội rất mong manh”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định khi đề cập đến đề án tái cơ cấu kinh tế, bao gồm cả đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020.

Gia nhập TPP, doanh nghiệp Nhà nước đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: VOV.

Với việc gia nhập Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DNNN sẽ phải chấp nhận luật chơi của quốc tế, không thể tiếp tục hoạt động theo kiểu “một mình một chợ” như hiện nay. Cụ thể, DNNN là một trong những nội dung đàm phán chính của Hiệp định TPP và cũng là một trong những nội dung đàm phán gay go nhất, bởi vì tại nhiều quốc gia tham gia TPP, đặc biệt là tại Việt Nam, DNNN vẫn còn đóng vai trò quan trọng và còn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều.

Chẳng hạn như vào năm 2013, mặc dù chỉ chiếm 0,9% tổng số các DN và chỉ sử dụng 13,5% tổng số nhân công, khối DNNN vẫn chiếm 32,2% GDP của Việt Nam và 40,4% tổng số vốn đầu tư ngoại quốc thường niên. Sau khi đàm phán với các nước khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Việt Nam đã thông qua một số quy định của Hiệp định TPP về DNNN, bao gồm các nội dung chủ yếu như: Các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; các DNNN không được nắm vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính...

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực song tiến trình tái cơ cấu vẫn còn rất nhiều hạn chế. Những vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế chưa được chạm đến như: Tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm.

Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Vì vậy, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, theo TS. Nguyễn Tú Anh, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trên cả bốn trụ cột: Ổn định tiền tệ, ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách.

Riêng với tái cơ cấu DNNN thì cần chủ động thay đổi được “bản chất”, tức là trong cách quản trị doanh nghiệp, có hệ thống nhà đầu tư chiến lược bên ngoài khu vực Nhà nước; đồng thời thay đổi cách tư duy, vận hành mục tiêu của cổ phần hóa. Nếu chúng ta chỉ cổ phần hóa với một tỷ lệ rất nhỏ ra bên ngoài, trong khi chủ yếu là các DNNN mua lại lẫn nhau thì bản chất câu chuyện không thay đổi.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực và rất quyết liệt đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các DNNN, nhưng một khi đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ không có con đường nào khác là phải tăng tốc cổ phần hóa các DNNN. Bên cạnh đó, vấn đề đổi mới cách thức quản trị các DN này cũng cần phải đặc biệt lưu tâm, có như vậy mới có thể cạnh tranh với các DN tư nhân trong nước cũng như với các DN của các nước thành viên TPP.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận rằng, tái cơ cấu DNNN cũng cần thay đổi cả tư duy lẫn con người, đã đến lúc phải dùng những nguyên tắc quản trị hiện đại đối với DNNN.

Vì thế, có thể áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc công khai và minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với doanh nghiệp Nhà nước; phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định không thoái vốn, không cổ phần hóa thì thay lãnh đạo doanh nghiệp; đặt trọng tâm cải cách, tức là thay đổi cả tư duy lẫn con người...

Thực tế đã chứng minh, nhiều DN Việt Nam đã trở nên thành công nhờ cổ phần hóa. Vì vậy, thách thức trước mắt của Chính phủ là phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách hệ thống DNNN, nhất là đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN; đẩy mạnh cổ phần hóa… Cấp bách hơn là đẩy mạnh cải cách DNNN theo yêu cầu loại bỏ độc quyền và những ưu đãi dành riêng cho DNNN, áp đặt kỷ luật đối với DNNN.

“Chúng ta phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, làm mạnh doanh nghiệp dân tộc trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà anh nào cũng được hưởng, phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các DN, xây dựng được triết lý của văn hóa “Doanh nghiệp dân tộc Việt”.

Tôi cho rằng đừng có phân biệt DN to hay nhỏ, phân biệt DN Nhà nước hay tư nhân ở đây, đã là DN Việt Nam đó là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam” - ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

PV

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文