Tàu hoen gỉ, hàng chục héc ta đất dự án "đắp chiếu"
Các dự án, cơ sở đóng tàu: Nhìn mà… buồn
Vào thời điểm từ năm 2005 đến năm 2007, có dịp đến huyện Xuân Trường (Nam Định), có lẽ không ai là không đặt niềm tin cho sự phát triển của ngành công nghiệp sửa chữa - đóng tàu nơi đây. Chỉ cần đứng trên cầu Lạc Quần phóng tầm mắt về khu vực thị trấn Xuân Trường, hoặc tản bước trên triền các con sông: Ninh Cơ, sông Hồng… ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh hoạt động sản xuất nhộn nhịp của các xưởng, cơ sở sửa chữa - đóng mới tàu.
Hàng trăm con tàu biển có trọng tải 600 đến 5.000 tấn nối đuôi nhau chờ "xuất xưởng". "Thời hoàng kim" là vậy. Còn bây giờ thì sao? Có mặt tại địa phương này vào những ngày cuối tháng 7, không còn thứ âm thanh chát chúa của máy móc; không còn hình ảnh người lao động ra vào nhộn nhịp các xưởng sửa chữa, chế tạo - đóng mới tàu; không còn các con tàu với tải trọng cả ngàn tấn nối đuôi nhau ở những điểm vốn có dự án, cơ sở đóng tàu như: thị trấn Xuân Trường, Xuân Tân, Xuân Ninh, Xuân Ngọc… nữa.
Thay vào đó là sự hoang phế và điêu tàn. Dừng chân tại con đường liên xóm Phú Ân, xã Xuân Tân (Xuân Trường) - nơi Công ty cổ phần Trường Minh tọa lạc chiều 28/7, đập vào mắt chúng tôi là cảnh bên trong khuôn viên của công ty, 3 con tàu vốn có trị giá hàng tỷ đồng hoen gỉ nằm chỏng chơ trên bãi đất bồi do công ty quản lý.
Quang cảnh đùi hiu ở Công ty cổ phần Trường Minh. |
Xung quanh cỏ mọc um tùm. Dãy nhà vốn là nơi dành cho nhân viên, quản lý xưởng sửa chữa, chế tạo tàu của công ty giờ đã cửa đóng then cài im ỉm. Anh Nguyễn Văn Quý, nhân viên bảo vệ của công ty cho biết, anh làm công việc bảo vệ trông coi này từ năm 2009. Kể từ lúc anh đến đây cũng là thời điểm mà mọi hoạt động sản xuất của công ty ngưng trệ, công nhân lao động không còn làm việc nữa.
Hình ảnh hoang phế, điêu tàn cũng lặp lại tại Công ty Trường Xuân. Khoảng khuôn viên rộng lớn trong công ty vốn có mục đích phục vụ cho hoạt động sửa chữa - đóng tàu giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Cỏ mọc có ngọn, rác rưởi khắp nơi, trâu bò thì tung tăng đi lại… Ông Phan Chu Chinh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tân cho hay, vào những năm 2007, 2008, trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp có dự án hoạt động với mục đích kinh doanh sửa chữa - đóng mới tàu với tổng diện tích đất sử dụng lên đến hàng trăm ngàn mét vuông. Đơn cử như Công ty Trường Minh với 23 ngàn mét vuông, Công ty Huy Hoàng 42 ngàn mét vuông v.v…
Vào thời điểm bấy giờ, hoạt động sản xuất diễn ra khá nhộn nhịp, số nhân công địa phương phục vụ cho các doanh nghiệp lên tới khoảng 300 lao động. UBND luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến đầu năm 2009, toàn bộ số doanh nghiệp này đã lâm vào khủng hoảng, sản xuất đình trệ. Hàng trăm lao động bị thất nghiệp. Tình trạng diện tích đất bị hoang phế, không được tận dụng cho hoạt động sản xuất tàu biển theo đó xuất hiện.
Tránh để lãng phí kéo dài
Để hiểu rõ về vấn đề có liên quan về ngành công nghiệp đóng tàu trên địa bàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND huyện Xuân Trường. Ông Ngô Doãn Thọ - Phó trưởng Phòng Công thương cho biết: Ngành công nghiệp sửa chữa - đóng mới tàu trên địa bàn phát triển đỉnh điểm vào những năm 2006 - 2008. Vào thời điểm bấy giờ, trên địa bàn có 23 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu có quy mô.
Những đơn vị, cơ sở chế tạo tàu có quy mô lớn dạng này tập trung chủ yếu ven sông Ninh Cơ và sông Hồng đi qua địa phận các xã: Xuân Ninh, Xuân Ngọc, thị trấn Xuân Trường, Xuân Tân... Số lượng lao động làm việc trong các cơ sở đóng tàu theo đó cũng lên đến hơn 2 ngàn lao động (con số này chưa kể đến số lao động thời vụ). Hoạt động sản xuất diễn ra cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng xảy ra đã kéo theo hàng ngàn lao động lao đao, phải xoay xở tìm ngành nghề khác để kiếm sống.
Tính đến nay, số đơn vị sản xuất vẫn còn hoạt động sửa chữa dở dang, đơn lẻ chỉ còn 4. Phần diện tích đất vốn thuộc dự án của các đơn vị, doanh nghiệp đóng tàu giờ không phục vụ ngành công nghiệp sửa chữa - đóng tàu lên đến hàng chục hécta. Theo ông Ngô Doãn Thọ, thời điểm ngành công nghiệp đóng tàu của huyện Xuân Trường rơi vào tình trạng khủng hoảng bắt đầu từ tháng 6/2008, thống kê của UBND huyện Xuân Trường cho thấy, có tới 124 chiếc tàu/189.080 tấn chưa được bàn giao (trong đó số tàu đóng dở dang là 100 chiếc/143.080 tấn).
Trong khi đó, giá hiện hành thời điểm bấy giờ, 1 tấn phương tiện tạm tính lên đến 5 triệu đồng. Và chi phí cho việc đóng mới 1 chiếc tàu loại 3.000 tấn vào khoảng 20 tỷ đồng. Nói về nguyên nhân "xuống dốc" của ngành công nghiệp đóng tàu ở địa phương, đại diện Phòng Công thương huyện Xuân Trường lý giải, vào thời điểm đó do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới, giá cả nguyên vật liệu gia tăng đáng kể. Ngân hàng thì thắt chặt nguồn vốn cho vay, thế nên các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu không khỏi lao đao.
Đặc biệt, trong bối cảnh đó, hàng loạt khách hàng còn ra thông báo rút đơn đặt hàng hoặc đề nghị giãn thời gian hoàn tất hợp đồng vô thời hạn - nguồn cầu đã bị đóng băng, thế nên các doanh nghiệp do năng lực có hạn, khó vay được vốn để duy trì sản xuất cộng với việc chịu lãi suất cao đã rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Cũng theo vị đại diện này, để tháo gỡ khó khăn trên, UBND huyện cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng đất kinh doanh nếu có dự án khả thi.
Như vậy, liên quan đến hậu "thời hoàng kim" của ngành công nghiệp đóng tàu ở huyện Xuân Trường, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần sự chung tay của các ngành các cấp. Nhất là khi hiện nay hàng chục hécta diện tích đất phục vụ dự án đang trong tình trạng hoang phí, nhiều tàu chưa được hạ thủy phải "nằm đắp chiếu" chờ bán phế liệu…
Theo ông Lê Huy Thông - Trưởng phòng Công thương huyện Xuân Trường, thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với các ngành liên quan từng bước phát triển, đầu tư cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, trang trại, chăn nuôi, trồng cây có giá trị kinh tế cao để phát huy hiệu quả vùng đất bãi sông Hồng, sông Ninh Cơ, nhất là đối với khu mặt bằng mà các doanh nghiệp dự kiến đóng tàu, song chưa có thị trường đầu ra và chưa đầu tư cơ sở vật chất thực hiện dự án đóng tàu. |