Tem chống hàng giả cũng bị làm… giả
Trong khi một bộ phận người dân, doanh nghiệp nỗ lực đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đẹp về mẫu mã, giá cả phải chăng thì không ít người đã lợi dụng để kiếm lời. Hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm có uy tín của những kẻ xấu đã làm ảnh hưởng đến những nhà sản xuất chân chính. Để bảo vệ uy tín, quyền lợi cho mình, nhiều nhà sản xuất đã dán tem chống hàng giả lên sản phẩm của mình. Đây cũng là giải pháp chống hàng giả, hàng nhái được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Người tiêu dùng Việt Nam đã quen với việc xem xét kỹ tem, nhãn, đặc biệt là tem chống hàng giả trên các sản phẩm tiêu dùng. Cơ quan quản lý thị trường khi hướng dẫn người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ cũng thường đưa ra lời khuyên nên xem xét kỹ tem, trong đó có tem chống hàng giả. Bởi thế, cùng với sự phát triển của sản xuất, tiêu dùng, đa số người tiêu dùng đều coi tem chống hàng giả là một căn cứ quan trọng để xác định hàng thật, hàng giả.
Thế nên, tôi thật bất ngờ khi lên mạng Internet để tìm hiểu về thủ tục, cơ quan được phép in, phát hành tem chống hàng giả. Mới lên mạng tra cụm từ “tem chống hàng giả”, tôi nhận được hàng trăm kết quả dẫn đến các địa chỉ trang web giới thiệu về dịch vụ làm tem chống hàng giả. Và giá cả thì rất đa dạng. Còn thủ tục thì… chỉ cần đặt tiền. Không ràng buộc thủ tục pháp lý, không cần biết xuất xứ hàng hóa mà nhà cung cấp tem chống hàng giả vẫn sẵn sàng nhận in với số lượng lớn cho thấy, để tiếp tay cho việc làm hàng giả qua việc sử dụng tem chống hàng giả thật dễ. Điều ngạc nhiên hơn nữa là những lời mời chào luôn đi kèm với chữ “Viện Khoa học hình sự”, “công ty liên kết với Viện KHHS” hoặc Bộ Công an… Là người tiêu dùng, bấy lâu nay tôi rất tin tưởng vào tem chống hàng giả do Viện KHHS, Bộ Công an phát hành. Tuy nhiên, khi thấy trên mạng Internet xuất hiện tràn lan những lời mời chào gắn với tên đơn vị nghiệp vụ giám định uy tín này, tôi thấy hoài nghi về tính chính xác. Để làm rõ thực hư, tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Ngọc Phương, Phó Viện trưởng Viện KHHS.
Tem chống hàng giả có in chữ Viện KHHS được QLTT đề nghị Viện KHHS giám định thật, giả. |
Đại tá Hoàng Ngọc Phương khẳng định, những lời mời chào, quảng cáo mà tôi vừa nêu ở trên là hoàn toàn mạo danh. Đồng thời, ông cũng khẳng định, tem chống hàng giả của Viện KHHS là một biện pháp phòng người tội phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Viện KHHS là một bộ phận trong hệ thống giám định tư pháp của Nhà nước, với chức năng giám định xác lập chứng cứ, phục vụ cho việc xử lý tội phạm, cũng như các hành vi, vi phạm pháp luật khác. Trong nhiều năm qua, Viện KHHS đã trở thành địa chỉ tin cậy của các cơ quan tiến hành tố tụng và của công dân trong việc giải chấp các tranh chấp dân sự. Vì thế, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu của Viện KHHS để in tem chống hàng giả. Hiện nay, trên thị trường có nhiều hàng hóa dán tem chống hàng giả có ghi “Viện Khoa học hình sự - BCA”, tuy nhiên có những mẫu tem không phải do Viện phát hành.
Cũng theo đồng chí Phương, sau khi được phép của cấp có thẩm quyền, Viện KHHS được phép phát hành tem chống hàng giả. Tem in rõ thương hiệu Viện KHHS, có kỹ thuật in đặc biệt. Khi phát hành loại tem này, Viện giữ bản quyền. Hiện tại, với những doanh nghiệp có nhu cầu, liên hệ trực tiếp với Viện để ký kết. Theo Thượng tá Đinh Chi Sơn, Phó trưởng Phòng 1, Viện KHHS, doanh nghiệp có nhu cầu in tem chống hàng giả cần có: giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền, giấy đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, giấy đăng ký thuế. Sau khi thẩm định, thấy có đủ căn cứ, hai bên sẽ làm hợp đồng in tem chống hàng giả. Trong quá trình sản phẩm lưu hành, nếu phát hiện tem chống hàng giả bị làm giả, doanh nghiệp có yêu cầu sẽ được Viện hoặc đơn vị có thẩm quyền giám định trên cơ sở mẫu tem đã được lưu giữ tại Viện. Từ đó, cơ quan pháp luật có cơ sở để xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi làm giả tem chống hàng giả.
Việc in tem chống hàng giả tại Viện KHHS có quy định rất rõ ràng về thủ tục, song trên thị trường, việc này lại vô cùng dễ thực hiện. Khi liên hệ với một số điện thoại đăng trên website quảng cáo về in tem chống hàng giả, tôi được người bảo rằng, “chỉ cần chị có nhu cầu. Không cần phải giấy tờ lằng nhằng gì cả. Giá một con tem tùy chất lượng, loại xịn 180đ, loại “bớt” xịn 150đ”. Trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất chân chính bị làm giả, làm nhái sản phẩm, việc không quản lý chặt chẽ in ấn, phát hành tem chống hàng giả đã tạo điều kiện để những kẻ gian làm ăn phi pháp.
Không chỉ dễ dàng trong việc in tem chống hàng giả, ngay cả tem chống hàng giả của Viện KHHS cũng bị làm giả. Tận tay xem tập hồ sơ do Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT Hà Nội gửi Viện KHHS đề nghị giám định tem chống hàng giả có ghi “Viện KHHS”, tôi mới thấy rõ sự ngang nhiên của những đối tượng làm hàng giả, hàng nhái. Các mẫu tem do Đội QLTT số 7 đề nghị giám định đều in chữ Viện KHHS. Tuy nhiên, nếu so sánh với mẫu mà Viện làm cho doanh nghiệp mẫu cơ quan QLTT thu thập được thì thấy rõ, hai loại tem không có cùng nguồn gốc xuất xứ. Như vậy, những kẻ phạm pháp không chỉ làm giả hàng hóa, mà còn làm giả cả tem chống… hàng giả.
Tem chống hàng giả được sử dụng với mục đích hợp pháp hóa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì thế, việc kiểm soát việc in ấn, phát hành tem chống hàng giả vô cùng cần thiết. Có như vậy mới bảo vệ nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng