Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp lại chậm

06:28 01/02/2021
Năm 2020 khép lại khi công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) vẫn tiếp tục lỡ hẹn tiến độ, với 91 DN chưa được CPH theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Khởi động năm 2021, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì khả năng tiến độ CPH sẽ chậm tiếp.


Điệp khúc “chậm tiến độ”

Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) - Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 7 DN. “Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong số 178 DN đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), như vậy, tiến độ CPH các DN còn chậm”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định.

Nhiều giải pháp “mạnh tay” để thúc cổ phần hóa. Ảnh: minh họa

Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 như: TP Hà Nội còn 13 DN, chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh còn 38 DN, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 DN; Bộ Công Thương còn 4 DN; Bộ Xây dựng còn 2 tổng công ty. Bên cạnh đó, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng gồm nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai là 98.748 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN.

Cũng “bết bát” tương tự, về công tác thoái vốn, trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.505,6 tỷ đồng, thu về 5.965,7 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 13 DN theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.788 tỷ đồng, thu về 4.617 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: Thoái 27.275 tỷ đồng, thu về 177.037 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 105 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.492 tỷ đồng, thu về 13.582 tỷ đồng - đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chỉ ra những nguyên nhân khiến công tác CPH, thoái vốn bị chậm, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, các DN thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ bởi dịch bệnh COVID-19 khiến cho việc triển khai công tác CPH, thoái vốn của các DN gặp khó khăn. Ngoài ra, còn một loạt khó khăn chủ quan như cơ quan đại diện chủ sở hữu, DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải xử lý các vướng mắc, tồn tại, khó khăn trong việc triển khai CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015, do đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hay trong quá trình tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước…

Đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm

Từ phía cơ quan trực tiếp thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã tìm nhiều giải pháp để “thúc” tiến độ CPH, thoái vốn. Mới đây, cơ quan này tiếp tục đề xuất 6 nhóm giải pháp được đánh giá là khá quyết tâm và “mạnh tay”, với mong muốn đẩy mạnh CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tới.

Cụ thể, trong nhóm giải pháp thứ nhất, bên cạnh đề xuất phải hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường công khai, minh bạch thông tin của các DNNN, đảm bảo dễ dàng tiếp cận, kiểm tra, theo dõi, đánh giá. Tăng cường trách nhiệm giải trình của DN; phân biệt trách nhiệm của cơ quan quản lý phần vốn nhà nước với người quản lý DN.

Ở nhóm giải pháp thứ 2, Bộ Tài chính yêu cầu, phải xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước; nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý. Với nhóm giải pháp thứ 3, để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, Bộ Tài chính đề xuất thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước hoặc các DNNN (ví dụ như SCIC) nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với các DN hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc có các dự án kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi xảy ra vi phạm. Đồng thời, cơ cấu lại DN theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, cơ cấu lại sản phẩm, ngành nghề phù hợp với mục tiêu phát triển…

Hà An

Trong niên độ từ 2011 - 2018, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu 7 gói mua sắm hình thức đấu thầu rộng rãi và 39 gói tư vấn được chỉ định thầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhưng Đoàn thanh tra không xác định được mức độ thiệt hại.

Sau khi Cục thuế tỉnh Lâm Đồng có ý kiến với UBND tỉnh về việc Công ty CP địa ốc Đà Lạt cho thuê lại nhà, đất là một loạt các căn biệt thự đã được Nhà nước cho thuê với mục đích sử dụng vào vào việc xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND TP Đà Lạt xem xét các vấn đề mà Cục thuế kiến nghị…

Việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh trước khi lên các phương tiện đò ngang di chuyển đến trường hay sinh hoạt hàng ngày là hết sức cần thiết. Vì thế, lực lượng CSGT Hà Nội thường xuyên triển khai công tác kiểm tra đột xuất tại các bến khách ngang sông, nhắc nhở các em học sinh những kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.

Người dân phát hiện một chiếc giỏ màu đỏ bên lề đường ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình bên trong có cháu bé khoảng 10 ngày tuổi. Bên cạnh cháu có mảnh giấy nhỏ ghi kèm nội dung mà người mẹ bỏ lại làm nhiều người bất ngờ…

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngày 11/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết hiện sức khỏe các em học sinh này đã ổn định. Bước đầu xác định, các em học bán trú và cùng ăn các phần ăn tại trường, nguyên nhân cụ thể đang được điều tra, làm rõ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文