Tiếp tục tranh cãi về tiền lương và tăng năng suất lao động
- Năng suất lao động xã hội Việt Nam bằng 1/18 của Singapore
- Rào cản nào làm năng suất lao động thấp?
- Năm 2017: Hàng loạt thay đổi về tiền lương
Tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VFPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) tổ chức sáng 13-9, báo cáo của một nhóm nghiên cứu thuộc VFPR đã đưa ra những con số thể hiện thời gian qua, lương tối thiểu tăng liên tục, trong khi đó năng suất lao động lại rất thấp khiến cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp giảm và là mối lo ngại của nền kinh tế Việt Nam.
Tiền lương và năng suất lao động đã tạo ra nhiều tranh luận gay gắt thời gian qua, và tại hội thảo này cũng đã có không ít ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra quan điểm không đồng tình với báo cáo này.
Lương tối thiểu tăng quá nhanh
Là thành viên nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành (VFPR) đưa ra thông số trong giai đoạn 2004- 2015, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Lương tối thiểu chỉ tác động một phần rất nhỏ đến năng suất lao động. |
TS Nguyễn Đức Thành phân tích, lương tối thiểu tăng quá nhanh dẫn đến rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Lương tối thiểu tăng dẫn đến lương trung bình cũng tăng theo, từ đó kéo theo hệ lụy giảm việc làm của người lao động khi doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, trong 10 năm qua (2007-2016), lương tối thiểu tăng ở mức 11- 70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc lương tối thiểu có tốc độ tăng quá nhanh đang ăn mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
TS Nguyễn Tiến Dũng, cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng việc tăng lương tối thiểu hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề. TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay dựa trên một số tiêu chí chính như nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế- xã hội, lương trên thị trường, đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia.
“Làm thế nào để đo lượng nhu cầu sống tối thiểu? Trong các vấn đề xác định mức sống tối thiểu hiện nay như nhu cầu thực phẩm, nhu cầu phi thực phẩm, hỗ trợ trẻ nhỏ… đâu là tiêu chí quan trọng? Hiện nay ở Việt Nam lương tối thiểu tăng cao là do cứ muốn mức lương phải ngang bằng với mức sống tối thiểu nhưng định nghĩa thế nào là mức sống tối thiểu lại chưa rõ”, TS Nguyễn Tiến Dũng nhận xét.
Nhiều vấn đề cần phải làm rõ
Đề cập về vấn đề này, PGS.TS Hồ Đình Bảng (Đại học KTQD) cho rằng, kết quả nghiên cứu này có góc độ tiếp cận từ phía doanh nghiệp nhiều hơn mà chưa tiếp cận góc độ từ phía người lao động. Năng suất lao động phải chia theo khu vực và phải làm rõ ảnh hưởng của tiền lương tối thiểu đến tiền lương và việc làm ở các khu vực. Việc báo cáo đưa ra kết luận tăng lương tối thiểu dẫn đến lương trung bình tăng và giảm việc làm là chưa thuyết phục.
“Kết luận lương tối thiểu tăng dẫn đến giảm việc làm, doanh nghiệp không đầu tư thiết bị là chưa ổn. Tôi cho rằng thông điệp của nghiên cứu này chủ yếu nằm ở việc phải tăng năng suất lao động nhưng làm thế nào để tăng năng suất lao động còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác”, PGS.TS Hồ Đình Bảng nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, năng suất lao động là mối lo số một của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên phải xác định tăng năng suất lao động cũng phải gắn với tăng lương. Nút thắt của việc tăng năng suất lao động hiện nay không chỉ nằm ở tiền lương của người lao động.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính lại phản ứng khá gay gắt khi cho rằng, báo cáo này đưa ra con số năng suất lao động thời gian qua tăng chỉ đạt 4,4%, đây là mức tăng của năng suất lao động xã hội.
“Trong khi tiền lương của chúng ta đang tính là năng suất lao động của ngành công nghiệp thì ở đây lại dùng năng suất lao động xã hội. Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Nếu tiền lương của xã hội thì theo năng suất lao động xã hội là đúng, nhưng đây tôi đang tính trong khu vực doanh nghiệp, tức là khu vực công nghiệp. Tiền lương của chúng ta hiện nay còn chưa đủ sống thì đừng nói đến năng suất lao động”, ông Chính nói.
Ông Chính khẳng định, trên thế giới hiện nay không có nước nào có hai bảng lương như ở Việt Nam. Một bảng doanh nghiệp dùng để quyết toán thuế, một bảng để đóng BHXH cho người lao động.
“Nếu cứ theo con số nghiên cứu cho rằng lương tối thiểu tăng 1% thì lao động giảm 0,13%. Vậy thời gian qua, lương tối thiểu tăng mấy chục phần trăm mà lao động có giảm đi không? Trong khi đó báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH mỗi năm chúng ta vẫn tăng 1,5 triệu lao động có việc làm. Cơ sở nào để chứng minh lương tối thiểu tăng thì việc làm giảm?”, ông Chính đặt câu hỏi.
Ông Chính khẳng định, lương tối thiểu chỉ là cái lưới để bảo vệ người lao động yếu thế nhất.
Cũng tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia phân tích, vai trò của lương tối thiểu không lớn đến mức như tất cả suy nghĩ mà thực tế lương tối thiểu nhằm mục đích chỉ là để bảo vệ lao động yếu thế.
Việc năng suất lao động thấp là ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác, lương chỉ là một phần nhỏ. Muốn tăng năng suất lao động, doanh nghiệp bắt buộc phải nâng cao quản trị doanh nghiệp và đầu tư công nghệ.