Tìm lối ra cho ngành Mía đường Việt Nam
- Để người trồng mía đường sống được, ngành Mía đường không phá sản
- Mía đường vẫn khốn đốn vì tồn kho cao
- Ngành mía đường liêu xiêu vì đường nhập lậu
Diện tích trồng mía giảm mạnh, đường tồn kho vẫn lớn
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2016-2017, diện tích mía đạt khoảng 219.000ha, thấp nhất trong các năm tính từ năm 2010 đến nay.
Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất mía đạt 62,6 tấn/ha, mặc dù có tăng nhưng ở vẫn mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Giá mía trong niên vụ 2016-2017 tiếp tục duy trì ở mức ổn định, có lợi cho người trồng mía. Tuy nhiên, giá đường biến động bất thường, có thời điểm xuống thấp do tác động của đường nhập lậu khiến các thành viên của Hiệp hội và thương nhân kinh doanh trong ngành mía đường gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 15-8, lượng đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 555.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 350.000 tấn…
Năng suất thấp, giá thành cao đang khiến ngành Mía đường lao đao. |
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, một nghịch lý đang diễn ra là, niên vụ 2016-2017 một số vùng không thực hiện trồng mía theo đúng quy hoạch, quy hoạch còn chồng chéo không ổn định, thiếu đầu tư liên kết với nông dân, các nhà máy tranh mua tranh bán nguyên liệu.
Giá thành sản xuất đường còn cao do giá mía nguyên liệu cao, giá nhân công cao do thiếu lao động... Diện tích trồng mía giảm mạnh do nông dân chuyển sang trồng các cây khác có giá trị cao hơn như sắn, cây ăn quả, dẫn đến nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường thiếu hụt, không đáp ứng đủ theo công suất của nhà máy.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương thông tin, dự kiến năm 2017 tổng nguồn cung đường cả nước khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất được khoảng 1,3 triệu tấn, tồn kho đầu năm hơn 280.000 tấn và nhập khẩu 119.000 tấn.
Thách thức lớn của ngành Mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu mang lại, ngành còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi chúng ta thực hiện các cam kết về thương mại do hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ. Khi đó, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng đường sẽ bằng 0% thay vì 30% như hiện nay.
Sức ép gay gắt từ đường lậu
Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng đường Việt Nam hiện nay đạt 1,5 triệu tấn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng đường toàn cầu. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam gần nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đường nhập lậu từ quốc gia này.
Trung bình mỗi năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 300.000-500.000 tấn. Đường lậu giá rẻ do trốn thuế, mặt khác, cũng bởi giá thành đường của quốc gia này thấp hơn do giá thành nguyên liệu, nhân công rẻ hơn. Tuy nhiên, trong khi người Việt chuộng đường Thái Lan, thì 95% số lượng đường của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu vào Trung Quốc, phần lớn qua đường tiểu ngạch.
Thực tế cho thấy, khả năng đáp ứng đường nội địa của Trung Quốc chỉ đạt 85%, Trung Quốc lại duy trì giá đường nội địa cao hơn giá đường thế giới nhằm bảo hộ nông dân đã tạo ra sự chênh lệch giá rất lớn giữa 2 thị trường, tạo tiềm năng xuất khẩu đường của Việt Nam sang quốc gia này.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, 1 tấn đường Việt Nam sản xuất cao gấp 2,5 lần so với Brazil, so với Thái Lan là gần gấp đôi. Nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan là 8.000 đồng/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng/kg…
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, giải bài toán của ngành Mía đường đem lại nhiều lợi ích nhưng ở góc độ của doanh nghiệp thực hiện kể cả việc trồng vùng nguyên liệu riêng cũng như phát triển công nghiệp chế biến đường phải theo quy luật thị trường.
Bất cập của ngành hiện nay là thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân và chưa chủ động trong nhận diện thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng những công nghệ để đạt năng suất chất lượng mía cao đủ sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho cao cùng diễn biến phức tạp của đường nhập lậu thì việc thực hiện cam kết song phương và đa phương trong hội nhập đòi hỏi ngành phải thay đổi để tồn tại, phát triển. Ngành xác định trong thời gian tới sẽ tạo các khâu đột phá về giống, thủy lợi và cơ giới hóa, đặc biệt là tổ chức lại sản xuất của ngành Mía đường...
Ngành cần theo lộ trình đầu tư vùng nguyên liên gắn kết với nông dân, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao giá trị các sản phẩm phụ sau đường để tạo thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp mía đường phải tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng có thể tồn tại sau thời điểm năm 2018.