Tìm lối ra cho trái cây đồng bằng sông Cửu Long

09:03 06/05/2015
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây nhưng nhà vườn phải đối mặt với cảnh giá giảm, thậm chí không ai mua. Việc liên kết vùng là vấn đề cấp thiết để quy hoạch lại vùng cây ăn trái.

Nhiều nhà vườn tại huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đang vào vụ thu hoạch xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan…

Ông Nguyễn Văn Quý, Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài ấp Hòa Long (xã Hoà An, TP Cao Lãnh) cho biết, xoài là loại cây đang phát triển rất mạnh ở vùng Hòa An trong mấy năm nay. Rất đông người dân đã bỏ lúa để lên vườn trồng xoài cát chu hoặc xoài Đài Loan. Hiện giá xoài cát chu giảm mạnh, trong khi xoài Đài Loan giảm nhẹ xuống mức 17.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Hải (ngụ xã Hoà An) than: “Năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất xoài giảm từ 30-40%. Tháng trước, thương lái đến tận vườn nhà tôi mua với giá 15.000 đồng/kg, hiện giờ chỉ còn 7.000 đồng/kg do nhiều nơi cùng thu hoạch xoài đồng loạt”.

Tại tỉnh Tiền Giang, giá thanh long thay đổi từng ngày. Ông Trương Văn Đời (ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) canh tác hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ cho biết: Khoảng 2 tháng nay, giá thanh long ruột đỏ cứ lên xuống thất thường. Có lúc thương lái tới vườn mua 60.000 đồng/kg, sau đó mua 40.000 đồng/kg, rồi có lúc giảm xuống 15.000 đồng/kg… Hiện nay dao động 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thanh long ruột trắng còn khoảng 10.000 đồng/kg.

Thanh long ruột đỏ được dự báo tiếp tục giảm giá khi nhà vườn chuẩn bị thu hoạch hàng loạt.

“Giá lúc này vẫn còn lời nhưng không bằng thời điểm sau Tết Nguyên đán 2015. Dự báo, giá sẽ giảm khi nhiều nơi đồng loạt vào thời điểm thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi…”, ông Đời nói.

Thê thảm nhất là những nông dân trồng mận An Phước và ổi, bởi vừa tốn chi phí thuê nhân công thu hoạch, vừa bán giá rẻ mạt khi chỉ còn 2.000- 4.000 đồng/kg, tính ra không có lãi. Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận GlobalGAP với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ bán được trong nước.

Ông Trần Văn Tây, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hoà nhìn nhận: “Hơn 1 năm nay, bưởi Năm Roi đạt chuẩn GlobalGAP chỉ bán được trong nước. Nguyên nhân do mỗi vụ chỉ thu hoạch vài chục tấn bưởi, trong khi đối tác cần hàng trăm tấn để xuất khẩu. Vì vậy chúng tôi không dám ký hợp đồng”.

Giới thương lái kinh doanh trái cây ở ĐBSCL nhận định, thời điểm từ tháng 5 trở đi, nhiều địa phương thu hoạch rộ các loại trái cây. Cùng lúc này ở miền Bắc cũng sẽ thu hoạch trái cây, rồi nhiều nước châu Á cũng vào vụ… Do đó, giá rớt là chuyện hiển nhiên.

ĐBSCL có khoảng 300.000 ha trồng cây ăn trái với nhiều chủng loại: xoài, bưởi, thanh long, sầu riêng, quýt, vú sữa, nhãn… Kim ngạch xuất khẩu rau quả ở nước ta đang tăng liên tục. Nếu như thời điểm năm 1996, Việt Nam chỉ xuất được 90,2 triệu USD, năm 2008 tăng lên 400 triệu USD thì đến năm 2014 đã đạt gần 1,5 tỷ USD.

TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho rằng: “Tuy xuất khẩu rau quả tăng trưởng nhưng nhìn tổng thể thì việc sản xuất và xuất khẩu trái cây vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều nơi nông dân còn sản xuất kiểu tự phát, nhỏ lẻ, trồng theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu. Điều trăn trở lâu nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL rất lỏng lẻo, số lượng doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu về cây ăn trái rất ít. Đây là hạn chế lớn để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu trái cây”.

Trước thực trạng này, Sofri đang phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trường ĐH Cần Thơ thực hiện đề án liên kết vùng, trong đó có mặt hàng trái cây, giúp nhà vườn có sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, thu về lợi nhuận cao.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, với mặt hàng trái cây và nhiều loại khác, tỉnh vận động nông dân tham gia vào mô hình liên kết để kết nối với nhiều công ty ở TP Hồ Chí Minh tìm đầu mối xuất khẩu. Từ đây, ngành nông nghiệp hỗ trợ nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP để nhà vườn có đầu ra ổn định, bán được giá cao.

Văn Vĩnh - Như Anh

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文