Tranh cãi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ còn kéo dài
Tại buổi toạ đàm này, ông Chung Trí Dũng – Chủ tịch Công đoàn Sabeco, thay mặt cho người lao động của tổng công ty này khẳng định: Bia Sài Gòn luôn thượng tôn pháp luật và họ không có động cơ lách thuế, vì tổng công ty có 90% vốn của Nhà nước, dù dưới hình thức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hay thuế thu nhập DN hay cổ tức cũng đều nộp về ngân sách.
Ngoài ra, qua kết luận các đợt thanh, kiểm tra quyết toán thuế TTĐB từ 2008 đến nay của Cục thuế TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế, thậm chí cả kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 cũng đều khẳng định Sabeco chưa bao giờ có vi phạm.
Ông Dũng chỉ ra 8 điểm DN này cho rằng bất hợp lý khi bị truy thu thuế như: KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và 4 công ty con, nhưng lại đề xuất áp thuế và truy thu đến 7 công ty con là chưa đúng quy định; việc áp thuế TTĐB như KTNN đề xuất sẽ chồng lên các chi phí khác, không phản ánh đúng bản chất của thuế TTĐB; nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của KTNN, Sabeco sẽ sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối thì bản chất vẫn là tiền nhà nước, có nghĩa nhà nước chỉ rút túi này đút vào túi kia.
Vụ việc truy thu thuế của Sabeco là một ví dụ về cách áp dụng luật pháp. |
Ý kiến của Sabeco nhận được sự đồng tình của các đại biểu dự toạ đàm. Ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng: Có 2 vấn đề đang gây tranh luận giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN và bản thân các cơ quan Nhà nước quan điểm cũng khác nhau là giá tính thuế và việc Sabeco có thành lập các công ty thương mại khu vực để “lách” thuế hay không? “Thuế TTĐB là thuế đánh vào nhà sản xuất chứ không phải đánh vào khâu thương mại, nên giá tính thuế là giá bán cho đối tượng thương mại đầu tiên (tức là theo cách Sabeco vẫn áp dụng) chứ không phải đánh thuế “trèo” qua DN cấp 2”.
Do đó, ông Dũng cho rằng “sửa quy định thì sửa, nhưng truy thu thì không nên”. Cũng có mặt tại cuộc toạ đàm, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng câu chuyện của Sabeco là một trường hợp điển hình về thể chế kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng việc Sabeco thành lập các DN “mẹ, con, cháu, chắt” là bình thường và pháp luật hiện nay cũng khuyến khích làm điều đó, để tận dụng được lợi thế trên thị trường, giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh và thậm chí tận dụng được những lợi thế và cả kẽ hở của chính sách. “Đây là điểm hoàn toàn tự nhiên. Cơ quan quản lý Nhà nước với trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung, thì phải tìm kiếm công cụ để hạn chế mặt này của DN”.
Thứ ba, ông Cung cho rằng nếu kết luận họ vi phạm luật, thì phải vi phạm khoản nào, điều nào cụ thể... “Quay trở lại việc luật pháp có kẽ hở, không bao giờ có một hệ thống pháp luật không có kẽ hở. Nhưng hoàn thiện luật pháp, bịt kẽ hở là chức năng của cơ quan Nhà nước, chứ không phải buộc người dân và DN phải gánh chịu tổn thất và chi phí của nó.
Điều này khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam rất rủi ro, người dân có thể bỗng dưng bị đặt vào thế vi phạm pháp luật vì cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra kẽ hở”.
Cuối cùng, ông Cung “tin rằng Bộ Tài chính sẽ không quyết định truy thu số thuế này”.