Nên xây các hồ chứa nước nhỏ lẻ, phân tán để chống hạn mặn

21:10 09/05/2020
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thuỷ văn Quốc gia, hạn mặn sẽ còn tiếp tục hoành hành tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hạn mặn không chỉ gây khó khăn cho người dân vì thiếu nước sinh hoạt mà còn khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề. 

 


Làm gì để có thể thích ứng với hạn mặn và khắc phục tình trạng này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam xung quanh vấn đề này.


PV: Hạn mặn ngày càng có những diễn biến phức tạp, nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Qua khảo cứu, phân tích, đánh giá của Viện chúng tôi cho thấy, trong thời gian qua (kể từ sau năm 2012 khi các hồ chứa lớn trên dòng chính hoàn thành) đã làm thay đổi dòng chảy về đồng bằng trong mùa khô, dẫn đến xâm nhập mặn trên đồng bằng đã làm thay đổi quy luật. 

Cụ thể, mùa mặn đã dịch chuyển sớm hơn so với trước đây 1-1,5 tháng, bắt đầu từ tháng cuối tháng 12, đầu tháng 1 (trước đây thường là từ tháng 2); Thời kỳ mặn cao/nguy hiểm cũng dịch sớm khoảng 1-2 tháng (trước đây thường xuất hiện giữa – cuối tháng 3, tháng 4, nay thường xảy ra vào tháng 1 hoặc tháng 2) nhưng cuối mùa mặn (tháng 3,4) thì có xu thể giảm mạnh, nguồn nước ngọt khá thuận lợi, nhất là các vùng ven biển Đông.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Đối với diễn biến mặn mùa khô năm 2019-2020 có thể coi là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở ĐBSCL. Nếu so sánh với đợt hạn mặn 2015-2016 (vẫn gọi là “lịch sử”), thì hạn mặn năm nay xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng và thời gian hạn mặn nghiêm trọng trên đồng bằng năm 2019-2020 dài gấp đôi so với năm 2015-2016; mặn cũng xâm nhập sâu hơn năm 2015-2016 khá nhiều, ranh mặn 4g/l lớn nhất đã vượt 3-9km. 

Nguyên nhân cơ bản của xâm nhập mặn rất nghiêm trọng năm nay là do nguồn nước lưu vực Mê Công ở mức thấp nhất, chỉ bằng khoảng 70% so với trung bình nhiều năm, so với năm 2015-2016 cũng chỉ bằng gần 90%; thêm vào đó, năm nay không có đợt xả nước tăng cường nào từ các hồ thượng lưu (năm 2015-2016 có một số đợt xả tăng cường).  

PV: Thưa ông, vừa qua, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đi kiểm tra tình hình hạn mặn tại một số tỉnh ĐBSCL. Đã có nhiều tỉnh đề xuất muốn được xây hồ trữ nước ngọt. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? Hồ trữ nước có thực sự là “cứu cánh’ cho các tỉnh chịu hạn mặn?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Nhìn chung hồ chứa nước ngọt là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Nhưng đối với điều kiện của vùng ĐBSCL chỉ nên xây dựng các hồ phân tán, cục bộ cho từng vùng thiếu nước ngọt cho những mục tiêu thiết yếu với quy mô khoảng vài chục ha (ưu tiên nhất là nước sinh hoạt, mô hình sản xuất sinh lợi lớn). 

Đặc biệt, các vùng xa như Cà Mau, các vùng ven biển xa nguồn nước ngọt, các hồ này sử dụng để chứa nước mưa là rất hợp lý, cần được khuyến khích để hạn chế được khai thác nước ngầm (gây hậu quả lún sụt và ngập diện rộng). Tuy vậy, quá trình xây dựng hồ chứa ở ĐBSCL cần phải phân tích vị trí, đánh giá tác động nhiều yếu tố nhất là chiều sâu đào hồ, giải pháp xử lý các vùng đất phèn tiềm tàng; nguồn nước cấp cho hồ phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ v.v…

Hiện nay, các địa phương cũng đang xem xét dành quỹ đất để xây dựng hồ chứa nước mưa phục vụ cho cấp nước sinh hoạt. Điển hình như tỉnh Bến Tre đã xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được đầu tư 85 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2019, cấp nước sinh hoạt cho gần 200.000 người đã đạt hiệu quả trong mùa hạn mặn năm 2019-2020. Tuy nhiên, hồ mới được xây dựng xong, năm đầu tiên tích nước, do đó nhiễm mặn trong hồ có thể là do mặn có sẵn trong đất xì ra, chưa có đủ thời gian xả rửa mặn, điều này sẽ khắc phục theo thời gian. 

 Tỉnh Bến Tre đã xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri) với kinh phí 85 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Cà Mau, Ngân hàng Thế giới sẽ cho tỉnh vay kinh phí xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt. Theo phương án được phê duyệt, hồ có quy mô 60ha, vị trí xây dựng thuộc khu tái định canh, định cư của xã Khánh An, huyện U Minh (ngoài Vườn quốc gia U Minh Hạ), ngoài việc cấp nước sinh hoạt, hồ còn có nhiệm vụ trữ nước để sử dụng phòng chống cháy rừng. Hiện tại tỉnh đang cho lập thiết kế (giai đoạn bản vẽ thi công). Hy vọng là dự án có thể hoàn thành trong thời gian tới.

 PV: Những biện pháp ngắn hạn để khắc phục hạn mặn theo ông cần triển khai ngay là gì?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Có thể nói, ĐBSCL đang đứng trước nhiều sự tác động bất lợi, đang được định hình lại với nhiều đặc điểm tự nhiên khác hẳn so với trước đây, chẳng hạn, tần suất lũ lớn giảm nhiều, mặn hạn xảy ra thường xuyên hơn, xói lở bờ biển nghiêm trọng. 

Hai yếu tố tác động từ bên ngoài quan trọng nhất là khai thác ở thượng lưu (làm thay đổi quy luật dòng chảy, giảm một phần lượng nước và suy kiệt phù sa về đồng bằng) và biến đổi khí hậu đã đặt chúng ta ở thế chống đỡ. 

Thêm vào đó, hiện tượng lún sụt đất (nội đồng bằng) đang trở nên rất nghiêm trọng. Bởi vậy, tôi cho rằng, chiến lược quan trọng nhất đối với ĐBSCL là chủ động thích nghi (hay nói khác đi là thích nghi có kiểm soát, làm chủ tình huống khi bất lợi xảy ra).

Trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, Đồng bằng cần ưu tiên là giải quyết hạn mặn ở các vùng ven biển, trong đó cần tiến hành các nhóm giải pháp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp tăng cường nguồn nước ngọt cho các hệ thống, các vùng ven biển thiếu nước ngọt; đồng thời khuyến cáo người dân xây các bể chứa hoặc các lu, bồn chứa nước mưa để sử dụng trong các tháng mùa khô. Ví dụ dụng cụ chứa được 5-7 khối nước thì cũng đủ để một hộ có nước sinh hoạt trong 2-3 tháng hạn mặn cao điểm nếu dùng tiết kiệm. 

Ngoài hạn mặn, trong tương lai không xa, người dân ĐBSCL còn đối mặt với sói lở bờ biển và ngập.

Ngoài ra cũng cần tiếp tục kiểm soát xâm nhập mặn vào các vùng ngọt và thay đổi, điều chỉnh các mô hình sản xuất theo hướng ít sử dụng nước ngọt hơn và tăng cường sử dụng nước mặn lợ, nước mưa. 

Ví dụ những vùng hạn mặn nặng thì ưu tiên trồng một vụ lúa và nuôi một vụ tôm, hạn chế sử dụng nước ngọt. Đồng thời, cần điều chỉnh mềm dẻo lịch sản xuất theo từng mùa, từng năm trong các vùng ven biển, thậm chí trên cả ĐBSCL như năm vừa rồi, vụ đông xuân chúng ta đã xuống giống sớm hơn một tháng, tránh được thời điểm hạn mặn cao. 

Một biện pháp nữa là chúng ta phải quản lý nước và sản xuất hiệu quả hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn, thị trường cả ngắn hạn và dài hạn là rất quan trọng. Trên thực tế, chúng ta đang đi theo tất cả các hướng trên và đã giải quyết hiệu quả.

 PV: Vậy ông có thể cho biết thêm những giải pháp dài hạn để người dân có thể thích ứng với hạn mặn?

 PGS.TS Trần Bá Hoằng: Trong tương lai xa, ĐBSCL sẽ đối mặt nhiều vấn đề hơn. Hạn mặn và xói lở bờ biển sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn hiện nay; thêm vào đó, vấn đề ngập trên ĐBSCL nhiều khả năng sẽ là trở ngại lớn nhất. Một số vùng ven biển, vùng trũng sau 100 năm nữa ngập tiềm năng (ở thể tự nhiên, không kiểm soát) có thể đến trên 3m nếu tốc độ nước biển dâng như hiện nay (khoảng 3-3,5 mm/năm) và lún đất tiếp tục như hiện tại (1-3cm/năm) không được hạn chế.

 Lúc bấy giờ tất cả các đối tượng trên ĐBSCL đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng (hạ tầng dân cư, giao thông, xây dựng, thủy lợi, sản xuất, môi trường, hệ sinh thái…). Có thể thấy, xu thế ngập gia tăng nhanh là tất yếu và việc đưa ra các giải pháp và bước đi từ bây giờ là cần thiết, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và kịch bản khai thác thượng lưu. 

PV: Xin cám ơn ông!

                                                                

Ngọc Yến (thực hiện)

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文