Uẩn khúc sau vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng do buôn bán gỗ Lào
Vụ vỡ nợ của bà Trần Thị Thủy, chủ DNTN Hoàng Thi, giữa tháng 7/2014, đã và đang gây xôn xao dư luận. Không ít người cho rằng, con nợ thực chất không bị vỡ nợ mà cố tình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, với thủ đoạn vay mượn tiền và trả lãi suất cao khiến nhiều người “sập bẫy”.
Ngoài ra, con nợ còn vay mượn tài sản khác của nhiều người để thế chấp tại ngân hàng nhằm “thu gom” số tiền lớn. Sở dĩ chủ tài sản cho con nợ vay mượn tài sản này là do ngoài số tiền con nợ phải trả ngân hàng, còn trả cho chủ tài sản một khoản tiền khá hậu hĩnh hàng tháng... Sau thời gian dài “thu gom” tiền bạc bằng cách đó, bà Thủy đã sở hữu trong tay khối tài sản gồm, biệt thự trên đường Hùng Vương nối dài, 3 lô đất ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và một khu nhà xưởng chế biến gỗ và chứa gỗ tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, thuộc phường Đông Lương, TP Đông Hà.
Tuy nhiên, với mục đích “thu gom” nguồn tiền lớn hơn, bà Thủy đã thế chấp toàn bộ tài sản trên tại Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác tại Quảng Trị để lấy tiền. Số tiền bà lấy được lớn hơn gấp nhiều lần so với trị giá thực của khối tài sản do bà thế chấp tại chi nhánh ngân hàng này. Trả lời câu hỏi có hay không cán bộ tín dụng móc ngoặc với DNTN Hoàng Thi để cho vay tiền vượt quá trị giá thực tài sản thế chấp tại ngân hàng?
Ông Phạm Linh Giang, Trưởng Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác tại Quảng Trị cho biết, việc thẩm định và định giá khối tài sản trên là do cán bộ tín dụng của ngân hàng chi nhánh tại Quảng Bình tiến hành, chịu trách nhiệm. Bà Thủy lần đầu vay tiền của ngân hàng vào năm 2010 với trên 11 tỷ đồng. Hợp đồng vay được thanh lý qua hàng năm và cho tới thời điểm hiện tại, bà Thủy vẫn trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trước tình trạng bà Thủy bị nhiều chủ nợ cá nhân đòi nợ và xiết nợ vào giữa tháng 7/2014 nên Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác tại Quảng Trị đã chủ động niêm phong khối tài sản trên của bà Thủy thế chấp tại ngân hàng. Tại thời điểm niêm phong, tổng dư nợ của bà Thủy tại ngân hàng là 18 tỉ đồng, với nhiều khế vay khác nhau, trong đó khế vay có tiền gốc lẫn lãi phải trả gần đây nhất là vào cuối tháng 8/2014… Trở lại thông tin cán bộ tín dụng đã thẩm định và định giá khối tài sản vượt quá giá trị thực của nó, ông Giang giải thích rằng, thông thường số tiền mà ngân hàng cho vay dao động trong khoảng 70-80% giá trị thực của tài sản mà người vay thế chấp. Khối tài sản của bà Thủy ban đầu được thẩm định và định giá là 24 tỷ đồng. Sau này khi giá cả thị trường về đất có biến động, ngân hàng cũng đã thẩm định và định giá lại khối tài sản nói trên. Ông Giang không trả lời câu hỏi khi tiến hành phát mãi toàn bộ khối tài sản của bà Thủy, liệu ngân hàng có thu hồi được toàn bộ số vốn mà ngân hàng này đã cho bà Thủy vay?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, ngoài khối tài sản nói trên, bà Thủy còn thế chấp tại những ngân hàng khác các xe ôtô Prado và Ford Everest nhằm thu gom một nguồn tiền lớn. Nhưng hiện tại, các xe này đã bị các chủ nợ cá nhân “xiết nợ”…
Thực tế khi tham gia vào việc buôn bán gỗ Lào, bà Thủy đã bị thua lỗ và cạn kiệt nguồn tài chính từ cuối năm 2011. Nhưng sau đó, bà Thủy lại có nguồn tiền lớn từ việc vay vốn của ngân hàng bằng các phương thức, thủ đoạn nói trên. Các chủ ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này? Theo Trung tá Lê Phi Hùng, Trưởng Công an TP Đông Hà cho biết, hiện tại Công an TP Đông Hà chưa nhận được đơn thư nào của người dân cũng như các ngân hàng liên quan đến vụ việc, do đó chưa có cơ sở để điều tra xác minh, ngoại trừ vào các ngày 20, 23/7/2014 khi xảy ra tình trạng một số cá nhân đến nhà bà Thủy để đòi nợ, gây mất ANTT địa phương. Vụ việc này, Công an TP Đông Hà đã điều động lực lượng đến đây để ổn định ANTT