Cẩn trọng trước chiêu lừa thu gom lợn mỡ xuất khẩu sang Trung Quốc
Giá lợn rớt xuống chỉ còn 50.000 – 51.000 đồng/kg, các xe lợn ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, thêm thời tiết nắng nóng khiến bị chết, tài xế và tư thương ném xuống suối, xuống vệ đường gây ô nhiễm.
Lợn nhốt trên xe chờ thông quan không được cho ăn đầy đủ, đã có nhiều con bị chết. Ảnh: Nam Thiên. |
Thậm chí, đã có hiện tượng nhặt lợn chết gom vào các lò mổ, cơ sở chế biến để sử dụng làm thực phẩm bán ra trên thị trường. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, chiêu trò thu gom nông sản với giá cao khiến người nông dân chạy theo phong trào, ồ ạt vay nợ đầu tư mở rộng sản xuất để rồi “ngậm quả đắng”. Nhưng chỉ vì lợi trước mắt, nhiều người dân vẫn phớt lờ cảnh báo từ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn.
Ngay khi các thương lái Trung Quốc lùng sục vào từng xã thu gom lợn mỡ, trước tình trạng ồ ạt vay tiền đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn của nông dân một số vùng nuôi lợn trang trại, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, đề nghị người dân không chạy theo lợi nhuận trước mắt.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, giá lợn hơi trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 lên tới 54.000 – 55.000 đồng/kg, và mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai xuất bán gần 4.000 con lợn thịt cho thương lái vận chuyển sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, số lượng trên chỉ còn 1.000 con/ngày. Đây là mức giá cao hơn 30% so với giá trên thị trường Việt Nam. Theo ông Đán, lợn bán sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nên không có hợp đồng, không đảm bảo. Phía Trung Quốc có thể ngừng mua bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiều hộ dân thấy giá lợn tăng cao vọt, đã bỏ qua rủi ro, ồ ạt đầu tư mở rộng chăn nuôi trong khi giá lợn giống ở mức cao.
Ngay cả ở phía Bắc, tình trạng lợn mỡ xuất sang Trung Quốc những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 cũng “sốt” không kém. Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đây là thời điểm phía Trung Quốc đang thu mua lợn hơi rất nhiều, đẩy giá lợn lên cao.
“Các trang trại đang xuất lợn hơi giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, còn giá lợn tại các công ty lớn như C.P (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) cao hơn, ở mức khoảng 52.000 đồng/kg”, ông Chiến cho biết. Lợn siêu mỡ có trọng lượng đều trên 120kg – 170kg/con, trong khi tập quán của người Việt chỉ ăn lợn nạc, trọng lượng trung bình dưới 100kg/con. Nên kể cả các xe lợn có quay đầu để tiêu thụ trong nước cũng phải chấp nhận bán giá rất rẻ.
Còn nhớ, vào thời điểm này năm ngoái, hàng trăm tấn dưa hấu tắc nghẽn tại cửa khẩu không xuất sang Trung Quốc được. Dưa thối, thương lái Việt khóc ròng, người trồng dưa phá sản, cả nước phải vào chiến dịch tiêu thụ dưa tình nghĩa.
Nguyên nhân cũng do các thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua dưa hấu lên cao trong một thời gian ngắn, người nông dân đổ xô đi phá các loại hoa màu khác, trồng dưa hấu. Sau đó, đột ngột phía Trung Quốc không cho thông quan khiến dưa ùn ứ tại cửa khẩu, hàng chục tấn dưa thối đổ bỏ. Tư thương không bán được dưa quay lại ép giá nông dân, người dân vay tiền ngân hàng đầu tư vào ruộng dưa vài trăm triệu đồng bỗng chốc “tan cơn mơ” làm giàu, đứng trước món nợ đáng giá cả gia sản.
Trong khi câu chuyện dưa hấu vừa lắng xuống thì giờ đây hàng ngàn hộ nuôi lợn lại đang “sống dở chết dở” với đàn lợn mỡ đã đến ngày xuất chuồng. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đây không phải lần đầu tiên thương lái Trung Quốc thu mua lợn mỡ ồ ạt từ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trọng cũng cảnh báo, thị trường Trung Quốc rất thất thường, thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng, nên dễ bị động.
“Việc thu mua này dễ khiến cung - cầu không ổn định, có thể lặp lại tình trạng giống như các năm 2010, 2011, 2013. Khi đó, lợn thịt được thu gom ồ ạt để xuất khẩu sang Trung Quốc vào dịp cuối năm, gây nên cơn sốt giá thực phẩm trong nước khi nguồn cung sụt giảm. Sau đó, khi họ ngừng thu gom, thì giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi thua lỗ”, ông Trọng dẫn chứng.
Mặc dù đã có cảnh báo, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không lường được hậu quả, và nếu phía Trung Quốc tiếp tục ngừng mua, thiệt hại từ việc ồ ạt nuôi lợn mỡ sẽ lên tới hàng trăm tỷ đồng.