Vì sao tăng bội chi ngân sách?

07:59 22/07/2016
Báo cáo kết quả kiểm toán 2015 của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân của việc tăng bội chi ngân sách. Rất nhiều những tồn tại về quản lý vốn ngân sách đã được chỉ ra, kiến nghị từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.


Chi đầu tư và chi thường xuyên đều vượt dự toán

Qua rà soát việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy các Bộ, địa phương đã rất “phóng tay” trong việc chi. 

Cụ thể, bố trí ngân sách trung ương vượt tỷ lệ hỗ trợ cho một số dự án 219,9 tỷ đồng, không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại một số chương trình 264,2 tỷ đồng; phê duyệt cơ cấu ngân sách trung ương trong tổng mức đầu tư vượt tỷ lệ hỗ trợ quy định 241,1 tỷ đồng; nhiều dự án thông tin chưa đầy đủ và còn sai lệch; bố trí, phân chia vốn ngân sách trung ương đối ứng cho một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA vượt tỷ lệ quy định 216,6 tỷ đồng. 

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc giao kế hoạch vốn ngoài nước chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch NSNN đã được Quốc hội quyết định.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên đều có tình trạng vượt dự toán. Riêng chi đầu tư phát triển, dự toán là 163.000 tỷ đồng, nhưng quyết toán vượt đến 52,4%, lên mức 248.452 tỷ đồng. 

Bội chi ngân sách cao hơn chi đầu tư phát triển cả nghìn tỷ đồng.

Mặc dù con số vượt dự toán được cho biết chủ yếu do số vốn ngoài nước giải ngân vượt 164,2% kế hoạch, nguồn dự phòng ngân sách và nguồn năm trước chuyển sang... nhưng các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn còn xảy ra tại nhiều dự án. 

Đó là lập quy hoạch không phù hợp thực tế, tính khả thi và hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư; 

chất lượng khảo sát, thiết kế chưa đảm bảo, còn tính sai khối lượng, định mức, đơn giá; chất lượng thi công một số hạng mục của một số dự án không đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng; công tác nghiệm thu, thanh toán tại các dự án còn nhiều sai sót, trong đó một số dự án có sai khối lượng, định mức, đơn giá lớn; còn trường hợp thanh toán vượt dự toán được duyệt, vượt giá trị quyết toán; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định... 

Ngoài ra, qua kiểm toán đối với một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT còn cho thấy công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, cách xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của một số dự án chưa đảm bảo tính đúng đắn; tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.

Về chi thường xuyên, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704.400 tỷ đồng, nhưng quyết toán lên tới 723.292 tỷ đồng, tăng gần 19.000 tỷ đồng. Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, vượt dự toán được duyệt.

Nợ công tăng nhanh

Báo cáo cho biết, dư nợ công đến 31-12-2014 là gần 2,285 triệu tỷ đồng, bằng 58,02% GDP, tăng 17,1% (333.377 tỷ đồng) so với năm 2013. 

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cho rằng danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo. 

Thêm vào đó, Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để KTNN xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014. 

Bộ Tài chính cũng ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ, chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích lũy trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định; hầu hết dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản; 

các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất; nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp; 

một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; không bố trí đủ dự toán để trả nợ; 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31-12-2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN. 

Bội chi NSNN năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế, giảm so với tỷ lệ bội chi NSNN năm 2013 (6,6%) nhưng không phù hợp với định hướng giảm bội chi NSNN giai đoạn 2011-2015. Hơn nữa, số bội chi NSNN năm 2014 đã lớn hơn chi đầu tư phát triển 910 tỷ đồng, không đảm bảo nguyên tắc cân đối NSNN theo quy định Khoản 1, Điều 8, Luật NSNN số 01/2002/QH11. Ngoài ra, Ngân sách Trung ương đã tạm ứng 45.000 tỷ đồng từ nguồn tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi NSNN năm 2014, chưa được quy định cụ thể trong Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Số dư tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước để bù đắp bội chi NSNN tăng dần qua từng năm, đến 31-12-2014 là 120.725 tỷ đồng, trong khi không quy định thời hạn trả, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống Kho bạc Nhà nước, tiềm ẩn tác nhân tiêu cực tới khả năng cân đối bền vững.
Vũ Hân

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文