Vì sao xuất khẩu gạo giảm đến 64% sản lượng?
Theo tin từ Bộ Công Thương, trong quý I, giá giảm trên thị trường toàn cầu, khi chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình giảm 5 USD/tấn trong tháng qua (20/2 tới 20/3/2015), hiện ở mức 414 USD/tấn. Tính chung trong quý I/2015, chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu giảm 13 USD/tấn. Cùng xu hướng đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm khá mạnh.
Phiên 20/3, gạo 5% tấm của Việt Nam vững ở mức giá 360 USD/tấn, giảm khoảng 35 USD/tấn so với một năm trước đó. Tính chung trong quý I, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm khá mạnh, khoảng 25 – 30 USD/tấn. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1/1 đến ngày 10/3/2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 443.639 tấn, giảm 64% so với 3 tháng đầu năm 2014.
Lý do chính bởi nhu cầu mua gạo Việt Nam từ đầu năm tới nay không cao, trong bối cảnh khách hàng hy vọng thời điểm giá thấp nhất sẽ rơi vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4, là lúc thu hoạch rộ lúa Đông – Xuân trong khi chương trình thu mua tạm trữ cũng kết thúc. Ở trong nước, giá lúa gạo tháng 3 biến động khá mạnh do 3 yếu tố: vào vụ thu hoạch lúa Đông – Xuân ở ĐBSCL, vốn là vụ lúa lớn nhất trong năm; chương trình thu mua tạm trữ quy 1 triệu tấn gạo của Chính phủ và việc thắng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippines.
Trong nửa đầu tháng, giá lúa gạo tăng nhẹ sau quãng thời gian giảm liên tục từ trước Tết, nhưng từ giữa tháng 3, giá giảm trở lại. Bên cạnh đó, việc nhiều doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ chậm trễ đúng vào thời điểm thu hoạch rộ đã tác động thêm làm giảm giá.
Gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu. |
Trong quý I, Việt Nam đã trúng thầu 2 đơn hàng lớn là 300.000 tấn cho Philippines trong phiên đấu giá 27/2 với 1 nửa ở mức giá 441 USD/tấn và 1 nửa ở mức 421 USD/tấn. Tuy nhiên, đây là mức giá giao tại kho của nước nhập khẩu, cho nên thực tế mức giá các doanh nghiệp nhận ủy thác xuất khẩu khá thấp, chỉ trên dưới 360 USD/tấn. Như vậy, để có được lợi nhuận trong thương vụ này, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thu mua gạo thành phẩm dưới mức 7.500 đồng/kg. Cộng với bối cảnh nguồn cung đang dồi dào mà sức mua yếu, sẽ khiến giá thu mua đầu vào của người nông dân giảm.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng rất lớn, khi Thái Lan đang xả kho 17 triệu tấn gạo của chương trình dự trữ trước kia. Cùng với đó, mùa thu hoạch mới lại tới ở nhiều quốc gia xuất khẩu chủ chốt, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, càng làm gia tăng áp lực xả hàng. Việc Myanmar gia nhập thị trường xuất khẩu cũng gia tăng sức ép giảm giá.
Áp lực còn đến từ sự “thất thường” của một trong những khách hàng số 1 của Việt Nam là Trung Quốc. Việc xuất sang Trung Quốc mới sôi động trở lại từ giữa tháng 3 khi Chính phủ nước này cấp quota nhập gạo cho thương nhân và nhân lúc giá gạo giảm thấp.
Hiện khách hàng Trung Quốc đang mua các loại gạo thơm và gạo gãy vỡ, chứ không mua gạo trắng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh qua trao đổi với báo chí cho biết: Trong quý I, thị trường Trung Quốc có diễn biến tương đối bất thường. Chính sách của họ thay đổi liên tục, cấp hạn ngạch cho gạo rất nhỏ giọt và rất chậm, dẫn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này suy giảm đến 30%.
Để đối phó với tình hình này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á. Dự báo của Bộ Công Thương cho rằng, khả năng giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục giảm từ nay tới cuối tháng 4, khi cả Việt Nam và Thái Lan kết thúc vụ thu hoạch.
Áp lực cạnh tranh gay gắt cả về giá cả và chất lượng từ phía các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan sẽ là thách thức đối với việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Gạo Việt Nam đang và sẽ tiếp tục bị cạnh tranh mạnh ở mọi phân khúc và hầu khắp các thị trường, kể cả châu Phi. Để giải quyết bài toán trước mắt, các chuyên gia cho rằng, cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ thu mua gạo tạm trữ vào đúng thời điểm, tiến tới xóa bỏ các khâu trung gian để lợi ích đến tận tay người nông dân.
Ngoài thị trường xuất khẩu, phải chú trọng khai thác triệt để thị trường nội địa, đặc biệt là các loại gạo phẩm cấp cao và các sản phẩm làm từ gạo. Bên cạnh đó, những nỗ lực tìm kiếm thị trường và nâng cao tính cạnh tranh cũng tiếp tục được đặt ra nhằm giảm áp lực tồn kho, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.