Vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội từ EVFTA

07:09 30/06/2019
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), EVFTA  được ký vào ngày 30-6. Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (IPA) cũng sẽ được ký cùng ngày. Trước sự kiện này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.


Giúp Việt Nam tăng trưởng GDP

PV: EVFTA - IPA được kỳ vọng như làn gió mới về thương mại và đầu tư đối với Việt Nam, ông đánh giá những tác động của Hiệp định đối với Việt Nam và doanh nghiệp như thế nào?

TS. Lê Huy Khôi: Với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; bảo đảm các yếu tố của quá trình tái sản xuất hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển tự do hơn giữa các thành viên tham gia Hiệp định, có thể nói, EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành/lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam.

TS. Lê Huy Khôi.

Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam 0,5% mỗi năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7 - 8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại.

Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư song phương trong thời gian tới. EU là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam, trong đó trên 40% là viện trợ không hoàn lại.

Thúc đẩy tăng trưởng thương mại: EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Việc EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực thực thi được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU tăng trưởng nhanh so với hiện nay.

Về xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU. Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O trong EVFTA cao để xuất khẩu sang EU là cá các loại phile ướp lạnh, đông lạnh; cá sấy khô muối, hun khói; tôm các loại ướp lạnh, đông lạnh, hun khói; hạt tiêu khô, xay; quần áo dệt kim; giầy có đế và mũ bằng cao su, nhựa… Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế về thuế quan thông qua EVFTA như thủy sản; cà phê rang xay; chè; hạt điều tươi, khô; rau quả đóng hộp; quần áo dệt kim; giày dép các loại...

Khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho người tiêu dùng Việt Nam trong việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định này. Các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng khi EVFTA chính thức có hiệu lực thực thi. Các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là cá hồi nước ngọt, ngô, phân bón, dầu thực vật, sắt thép, xe tải và một số phương tiện vận tải khác dùng động cơ diesel…

PV: Theo ông, những ngành nghề nào sẽ chịu tác động từ EVFTA?

TS. Lê Huy Khôi: Theo tôi, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ EVFTA như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia… Trong đó, xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Trong khi nhập khẩu dự kiến cũng sẽ tăng ở hầu hết các ngành.

Đặc biệt, những ngành mà chúng ta sẽ chịu lép vế đó là: ngành cơ khí, chế tạo; nông sản (một số sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi…); thủy sản và một số lĩnh vực trong ngành dịch vụ (hậu cần thương mại, bản lẻ…).

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm

PV: Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức từ EVFTA?

TS. Lê Huy Khôi: Song song với việc doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp về phòng vệ thương mại như là những công cụ để bảo vệ hàng hoá của mình tại thị trường nội địa thì thách thức đặt ra không nhỏ đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi có lợi thế về thuế quan, phi thuế quan từ Hiệp định.

Hàng hoá xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra và áp thuế  chống bán phá giá bởi Ủy ban Liên minh châu Âu. Các vấn đề có liên quan đến sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và công đoàn, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Hàng hoá xuất khẩu được trợ cấp cũng có nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng.

Hàng hoá xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam, nếu xuất khẩu ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ vượt ngưỡng như: quần áo lót; quần áo trẻ em có mã HS... dẫn đến việc tăng thuế trở lại hoặc ngừng cắt giảm thuế đối với mặt hàng ấy.

Bên cạnh đó, trong điều kiện chúng ta chưa xây dựng đầy đủ và sử dụng hiệu quả các hàng rào thương mại (TBT, SPS, các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời) để bảo vệ thị trường trong nước theo quy định của WTO thì đây sẽ là những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh ngay trên sân nhà.

PV: Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp gì để phát triển khi hội nhập?

TS. Lê Huy Khôi: Để tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế tối đa thách thức trước hết, cơ quan chức năng nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ một cách tích cực và thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam.

Xác định rõ vai trò nòng cốt của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế nói chung, và là điều kiện để hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, có thể tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của EVFTA để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả các ưu đãi ta đã cố gắng để đạt được thông qua đàm phán, đồng thời chuẩn bị kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan.

Tăng cường cho công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho mọi đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam để có sự chuẩn bị kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu từ các cam kết.

Hiện nay, khoảng cách địa lý là một trở ngại đáng kể. Các doanh nghiệp cần phải khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường phương tiện vận tải và kho tàng bến bãi để đảm bảo có chi phí cạnh tranh thấp nhất. Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tháo gỡ những khó khăn về logictics hỗ trợ phát triển thương mại. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.

Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của thu hút đầu tư… Xây dựng các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa.

Tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả…), xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật (về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, lao động và công đoàn…) trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật này.

 Hỗ trợ các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị (nông dân, doanh nghiệp) trong việc nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên EU.

Nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc sẵn sàng cho các vấn đề phát sinh liên quan đến phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ và các phát sinh khác liên quan đến những cam kết mới, phi truyền thống trong quá trình thực hiện các cam kết EVFTA.

Thời gian tới, Nhà nước cần nhìn nhận, đánh giá lại vai trò và tăng cường sự tham gia của các cơ quan/tổ chức tư pháp trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực thi chính sách, nhằm đảm bảo điều chỉnh đúng đối tượng, chuẩn bị đầy đủ từ công cụ, phương tiện triển khai thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文