Xả nước đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2016-2017
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, kết thúc đợt 1 xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân, đã có 24,23% diện tích gieo cấy theo kế hoạch đã được cấp nước. Các địa phương diện tích có nước đạt cao là: Phú Thọ (63,67%), Ninh Bình (58,87%), Nam Định (45,61%) và Thái Bình (24,11%).
- Các hồ thủy điện bắt đầu xả nước phục vụ gieo cấy
- Sẽ đưa nước đổ ải làm đất để gieo cấy lúa xuân 2009 ở Bắc Bộ
- Đồng ý chủ trương thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015
24,23% diện tích gieo cấy đã được cấp nước
Thông tin từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, theo thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày. Trong đó, Đợt 1 từ 0h00 ngày 10-1 đến 24h00 ngày 15-1. Tổng lượng xả dự kiến của các hồ chứa thủy điện trong Đợt 1 khoảng 1,714 tỷ m3 nước.
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết, theo kế hoạch trong 18 ngày của 3 đợt xả, tổng lượng nước xả xuống hạ lưu khoảng trên 5 tỷ m3. Đợt 1 vừa qua, nhờ sự chuẩn bị, phối hợp giữa hai ngành và thời tiết thuận lợi, nên đã giảm được 1,5 ngày xả nước (kết thúc lúc 12h00 ngày 14-1) tương đương với tiết kiệm trên 400 triệu m3 nước.
Các công ty điện lực luôn sẵn sàng đảm bảo cấp điện 24/24h cho các trạm bơm nước phục vụ vụ Đông Xuân. |
“Năm nay, EVN vẫn đảm bảo điều tiết nước sao cho trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì tối thiểu là 2,2m. Thực tế, trong thời gian lấy nước đợt 1, mực nước sông Hồng tại Hà Nội được duy trì ở mức trung bình 2,47m, thời điểm cao nhất đạt đến 2,78m. Dự tính, Đợt 2 và Đợt 3 cũng sẽ đảm bảo theo như kế hoạch đã thông báo để tạo điều kiện tốt nhất cho các trạm bơm lấy nước vào đồng”, ông Chính cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), thực tế công tác lấy nước các năm trước đây, các địa phương vùng ven biển (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng,…) thường có nhu cầu lấy nước sớm, khoảng 20-30 ngày trước thời gian gieo cấy. Ngược lại, ở các địa phương vùng không ảnh hưởng triều (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…), do có nhiều diện tích cây vụ Đông thu hoạch muộn nên không có thời gian ngâm ải, thường làm đất và gieo cấy trong 5-10 ngày. Do vậy, các địa phương này có nhu cầu lấy nước muộn hơn.
“Đề nghị bà con nhanh chóng thu hoạch các diện tích cây vụ Đông để lấy nước gieo cấy lúa trong 3 đợt xả nước, tuyệt đối không phát sinh nhu cầu lấy nước bổ sung. Đối với Vĩnh Phúc, trong đợt xả nước đợt 1, qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy hệ thống sông Phan được trữ nước rất đầy. Dự kiến Vĩnh Phúc sẽ gieo cấy từ ngày 5 – 7 (Tết) trở đi, cùng với đợt xả nước 2 và đợt 3 chúng tôi tính toán, chắc chắn Vĩnh Phúc đảm bảo đủ nước gieo cấy”, ông Hùng cho hay.
Sẵn sàng cho xả nước đợt 2 và 3
Để tiết kiệm nước, theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, các đợt lấy nước phải trùng với kỳ triều cường, hoàn toàn trùng với thời gian Tết. Tuy nhiên, để tránh lãng phí nước, lịch lấy nước không trùng với các ngày Tết.
Đợt 2 bắt đầu lấy nước từ 0h00 ngày 23-1 đến 24h00 ngày 26-1. Đợt 3 bắt đầu lấy nước từ 0h00 ngày 6-2 đến 24h00 ngày 13-2. Trong các ngày Tết, tùy điều kiện nguồn nước, các đơn vị quản lý khai thác vẫn trực bơm, cấp nước nếu còn nguồn nước để bơm.
“Để tiết kiệm nước, bà con cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy nông đưa nước lên ruộng, đắp bờ thửa, bờ vùng cẩn thận để tránh thất thoát nước, đồng thời có kế hoạch gieo cấy trong khung thời vụ khuyến cáo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) nói.
Sẵn sàng Xả nước đợt 2 phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2016-2017. |
Đợt xả nước thứ 2 sẽ bắt đầu từ 18h00 ngày 20-1 đến 24h ngày 25-1, để các địa phương có thể lấy nước từ 0h ngày 23-1 đến 24h ngày 26-1. Đợt xả nước thứ 3 bắt đầu từ 18h ngày 3-2 đến 24h ngày 12-22, để các địa phương có thể lấy nước từ 0h ngày 6-2 đến 24h ngày 13-2. |
Phó giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh Vũ Anh Tài cũng cho biết, để chuẩn bị cho lấy nước hiệu quả, 2 công ty thủy nông trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa nước vào đồng ruộng, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tránh để thất thoát, lãng phí nước.