Xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2020
Bộ Công Thương cho hay, do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các DN đẩy mạnh hoạt động XNK trong 10 ngày cuối tháng Ba, trong đó Công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu (XK) sản phẩm điện thoại phiên bản mới. Theo ước tính, kim ngạch XK của Việt Nam trong tháng 4/2020 ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm mạnh 18,4% so với tháng 3-2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 4-2020, kim ngạch XK của khối DN trong nước ước đạt 6,35 tỷ USD, giảm 16,7% so với tháng 3-2020 và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch XK của khối DN FDI cũng giảm 19,1% so với tháng 3/2020 và giảm 4,5% so với cùng kỳ, đạt 13,35 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô).
Dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhìn nhận, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I-2020, hoạt động thương mại của Việt Nam trong tháng 4-2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3-2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản.
Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến XK sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, nhiều quốc gia từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch bệnh CVOD-19 vẫn tiếp diễn. Đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động XNK. Do đó, dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.
Đặc biệt, ngày 24-4-2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với sản phẩm cá tra, cá basa XK của Việt Nam. Theo đó, mức thuế cuối cùng áp cho các DN đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá XK), giảm đáng kể so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg.
Ngoài ra, hầu hết các DN XK cá tra lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%. Mức thuế chống bán phá giá cho cá tra sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh. Bên cạnh đó, kim ngạch XK mặt hàng này sang một số thị trường cũng có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. “Đây là thông tin tích cực đối với các DN XK cá tra - basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong khi dịch COVID-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp DN Việt Nam đẩy mạnh giao thương với DN nước ngoài, mở rộng thị trường XK.
Đặc biệt là, “Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy XK hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa XK của Việt Nam”, ông Cao Quốc Hưng cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, ông Cao Quốc Hưng cho rằng cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra. Theo đó, Bộ Công Thương thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
Khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày; tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các DN FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XNK đối với thị trường Trung Quốc và khẩn trương cơ cấu lại thị trường XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có CPTPP đã được đưa vào thực thi và EVFTA sắp được phê chuẩn và có hiệu lực (dự kiến trong năm 2020) để thúc đẩy XK.
Đặc biệt, chuẩn bị các kịch bản và phương án để đẩy mạnh sản xuất, XK sang thị trường EU ngay khi kết thúc dịch bệnh, có tính đến việc tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh XK và khôi phục thị trường. Đẩy mạnh đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho DN; áp dụng thương mại điện tử, xúc tiến XK hàng hóa trên môi trường mạng.