Bài 1: Ngành Hải quan đối diện với thách thức giảm thu ngân sách

17:12 06/10/2023

Năm 2023, ngành Hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 425.000 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong quý III/2023 đạt 83.695 tỷ đồng, giảm 9,7% so với Quý II/2023 và giảm 18,4% so với quý III/2022. Lũy kế từ 1/1- 30/9/2023, số thu NSNN đạt 268.690 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán được giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này đặt ra nhiều thách thức đối với việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 của ngành Hải quan.

Áp lực lớn

Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022, Quốc hội giao dự toán thu NSNN năm 2023 cho ngành Hải quan là 425.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế xuất khẩu (XK) 9.200 tỷ đồng; thuế nhập khẩu (NK) 67.292 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 32.200 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 824 tỷ đồng; thuế GTGT 315.400 tỷ đồng và thu khác 84 tỷ đồng.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả làm việc với Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả tại cảng Cửa Ông (TP Cẩm Phả) để kịp thời nắm bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Trong khi đó, lũy kế từ 1/1- 30/9/2023, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 268.690 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán được giao, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nông Phi Quảng – Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), thông thường các năm trước, kim ngạch hàng hóa XNK chịu thuế tăng từ 8 - 13%. Cá biệt có năm tăng tới 24%. Tuy nhiên, năm nay không những không tăng còn giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Do đó thu ngân sách toàn ngành giảm mạnh.

Theo đó, số thu có xu hướng giảm mạnh bắt đầu từ tháng 5/2023. Cụ thể, tháng 1 đạt 27.064 tỷ đồng; tháng 2 đạt 30.731 tỷ đồng; tháng 3 đạt 34.479 tỷ đồng; tháng 4 đạt 32.053 tỷ đồng; tháng 5 đạt 29.956 tỷ đồng; tháng 6 đạt 30.711 tỷ đồng; tháng 7 đạt 27.624 tỷ đồng và tháng 8 đạt 27.771 tỷ đồng. Hai năm trở lại đây (2021, 2022), số thu 6 tháng cuối năm đều giảm so với 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, số thu của ngành hải quan giảm còn do giảm thu từ thuế GTGT (trung bình mỗi tháng giảm khoảng 1.415 tỷ đồng); việc thực hiện ưu đãi thuế linh kiện ô tô NK, việc hoàn thuế đối với mặt hàng xăng dầu theo C/O và hoàn thuế NK đối với hàng hóa XNK tại chỗ giảm khoảng 3.500 tỷ đồng. Tình hình thu ngân sách tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn chỉ đạt 201.161 tỷ đồng, bằng 54,02% dự toán được giao, giảm 15,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Công chức Chi cục Hải quan Vân Phong kiểm tra hàng hóa tại Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong.

Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2022, như: Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai giảm 26%; Bình Dương giảm 23,04%; Hà Tĩnh giảm 17,92%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 21,93%; Bắc Ninh giảm 14,57%; Hà Nội giảm 12,33%.

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trị giá XNK hàng hoá qua hệ thống cảng biển TPHCM trong 9 tháng năm 2023 giảm hơn 17,5 tỷ USD, đã kéo giảm số thu NSNN của Cục Hải quan TPHCM từ hoạt động XNK giảm gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, số thu NSNN năm 2023 của đơn vị tính đến ngày 30/9/2023 đạt trên 91.887 tỷ đồng, bằng 63,02% dự toán pháp lệnh được giao (145.800 tỷ đồng), giảm 12,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo phân tích của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến số thu NSNN của đơn vị giảm so với cùng kỳ năm trước đến từ nhiều tác động khác nhau: tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; xung đột địa chính trị giữa Nga-Ukraine; các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam giảm đơn đặt hàng… Loạt biến động này đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu trong nước nói chung và địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng, từ đó ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch hàng hóa XNK của một số mặt hàng đóng góp chủ lực về thu NSNN của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh  giảm, như: mặt hàng xăng dầu, ô tô, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Tính đến ngày 15/9/2023, tổng trị giá XNK hàng hoá đạt 81,5 tỷ USD, giảm 17,65% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương 17,5 tỷ USD). Trong đó, trị giá NK đạt 42,8 tỷ USD, giảm 21,11%; trị giá XK đạt 38,7 tỷ USD, giảm 13,45%.

Cùng với đó, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Phan Quốc Đông thông tin, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, 8 tháng qua, đơn vị thu đạt 18.980 tỷ đồng, đạt 57,2% chỉ tiêu, bằng 85% so với cùng kỳ. Trong đó, địa bàn Hà Nội số thu ngân sách đạt 15.000 tỷ đồng, đạt 56%, bằng 89% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch XNK làm thủ tục qua đơn vị đạt gần 38,5 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD kim ngạch XNK hàng hóa có thuế, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ông Phan Quốc Đông cũng phân tích nguyên nhân giảm thu trong những tháng qua phần nào ảnh hưởng từ cơ chế chính sách. Chẳng hạn, thực hiện Nghị định 44/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%; cuối năm 2022 Chính phủ ký 17 Biểu thuế XK, thuế NK theo 17 hiệp định FTA. Bắt đầu từ năm 2023, một số mặt hàng có thuế suất cao, làm thủ tục thường xuyên tại địa bàn Hải quan Hà Nội có thuế suất giảm. Minh chứng là một số mặt hàng kim ngạch có thuế giảm sâu như: linh kiện điện tử giảm gần 50%; linh kiện ô tô giảm 40%; máy tính, hàng điện tử giảm 90%; hóa chất, thuốc giảm 80%.

Theo Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, kim ngạch NK chịu thuế đạt 79,5 tỷ USD, bằng 53% dự toán, giảm 19,1% và kim ngạch XK chịu thuế đạt 4,7 tỷ USD, bằng 57,5% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, kim ngạch nhiều nhóm, ngành hàng giảm mạnh. Dẫn đầu là nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng NK phục vụ sản xuất như: Than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép và phế liệu, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 56% tổng kim ngạch NK có thuế đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là nhóm xăng dầu NK đạt 5,8 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng nhưng giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại có kim ngạch NK có thuế đạt 86.585 chiếc, trị giá đạt 2 tỷ USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Cục Thuế XNK cho biết thêm, số thu 8 tháng qua giảm chủ yếu do kim ngạch NK chịu thuế giảm. Thống kê của ngành hải quan cho thấy, 8 tháng giảm thu khoảng 29.500 tỷ đồng do giá giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là sắt, thép giảm khoảng 4.100 tỷ đồng; xăng dầu NK giảm 6.100 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu gần 2.500 tỷ đồng. Riêng mặt hàng ô tô nguyên chiếc, 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng các DN làm thủ tục NK 13.529 chiếc, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 bình quân chỉ đạt 8.117 chiếc/tháng, giảm 40%/tháng và giảm thu 1.100 tỷ đồng/tháng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số thu từ tháng 4/2023 đã có xu hướng giảm dần. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều XK và NK đều giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến công tác thu do ngành hải quan quản lý.

Trước những tác động khách quan đến tình hình thu ngân sách nhà nước những tháng qua, ông Phan Quốc Đông cho biết, ngay từ đầu năm Cục Hải quan Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thu ngân sách nhà nước và giao từng đơn vị. “Các giải pháp được triển khai đồng bộ, trong đó đơn vị tập trung tổ chức trao đổi, giải đáp tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN, cũng như hướng dẫn thủ tục cho các DN XNK những mặt hàng mới”, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cho biết, đồng thời nhấn mạnh, cùng với các giải pháp thường xuyên, năm 2023, đơn vị tập trung đối thoại với DN từ cấp cục đến các chi cục và thực hiện đầu năm 2023, sau đó dành thời gian đến với làm việc trực tiếp với các DN lớn, có quy mô ảnh hưởng đến hoạt động XNK, cũng như số thu ngân sách trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình DN, tháo gỡ vướng mắc nếu có.

Theo ông Phan Quốc Đông, 9 tháng qua, đơn vị thu đạt 21.492  tỷ đồng, đạt 64,81% chỉ tiêu, giảm 12,33% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm tình hình XNK có thể chuyển biến tích cực hơn so với đầu năm. Trên địa bàn Hà Nội thường cuối năm nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng, thuế suất cao sẽ tăng. Để chủ động, Cục Hải quan Hà Nội cũng tiếp tục tập trung đồng hành cùng DN, đặc biệt chú trọng việc nắm bắt tình hình DN để kịp thời hỗ trợ DN khi các kế hoạch, dự án bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cũng như xu thế chung cả ngành, số thu ngân sách năm 2023 sau khi thực hiện hết các biện pháp nghiệp vụ, ước tính đạt xấp xỉ 91-92% so với dự toán.

Xác định nhiệm vụ thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh   thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hàng ngày, hàng tháng, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến thu NSNN, sự biến động của kim ngạch XNK (đặc biệt của nhóm hàng chủ lực có thuế suất thuế NK, XK cao), tình hình tăng trưởng hoạt động XNK của DN hoạt động trên địa bàn; kịp thời tham mưu phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản và công tác trọng tâm nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, nuôi dưỡng nguồn thu NSNN. Với những tác động trên, cùng với đà thu NSNN trong những tháng đầu năm 2023, số thu NSNN tại Cục Hải quan TPHCM trong cả năm 2023 ước đạt 123.105 tỷ đồng, đạt 84,43% chỉ tiêu pháp lệnh, giảm 13,93% so với năm 2022, giảm tuyệt đối 19.930,4 tỷ đồng.

Vẫn có những điểm sáng trong thu NSNN

Tuy nhiên điều đáng nói là trong 10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn, chiếm 87% dự toán thu của toàn ngành thì chỉ có duy nhất Cục Hải quan Quảng Ninh vẫn duy trì được tốc độ bứt phá và có số thu NSNN cao nhất. Trong đó, quý 3/2023, Cục Hải quan Quảng Ninh thu ngân sách đạt hơn 5.226,92 tỷ đồng, tăng 52,77% so với quý trước. Trong đó, thuế XK đạt 354,57 tỷ đồng, thuế NK đạt 440,24 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 616,74 tỷ đồng; thuế Bảo vệ môi trường đạt 88,44 tỷ đồng; thuế GTGT đạt 3.721,43 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 30/9/2023, Hải quan Quảng Ninh thu ngân sách đạt 12.772 tỷ đồng, tăng 12.59% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 111,06 % so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (11.500 tỷ đồng) và đạt 100,15% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (12.000 tỷ đồng).

Công chức Hải quan Móng Cái thực hiện giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II.

Đóng góp lớn cho số thu NSNN của toàn Cục, ông Vũ Đức Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết, số thu ngân sách của Chi cục phụ thuộc lớn vào tình hình NK xăng dầu vì đây là mặt hàng chiếm 2/3 tổng thu. Số còn lại phụ thuộc vào nhóm một số mặt hàng khác như: Dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi… Nhờ những nỗ lực không ngừng, luôn bám sát, hỗ trợ DN nên chỉ trong 7 tháng năm 2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai đã về đích số thu NSNN cho cả năm với số thu đạt hơn 4.700 tỷ đồng (đạt 105% chỉ tiêu, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2022). Tương tự, đến tháng 7, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả đã thu NSNN đạt gần 4.200 tỷ đồng (bằng 92% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 75% chỉ tiêu).

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái có 907 DN đến đăng ký làm thủ tục, trong đó thu hút 467 DN mới. Tổng kim ngạch XNK qua Chi cục đạt hơn 2,8 tỷ USD (tăng 6,53% so với cùng kỳ năm 2022); thu ngân sách đạt 1.176,62 tỷ đồng (tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2022).

Lý giải nguyên nhân tăng thu, Cục Hải quan Quảng Ninh cho rằng, trong quý, số thu từ xăng dầu NK tăng do lượng nhập khẩu tăng mạnh. Bên cạnh đó, số thu từ than NK, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi NK và nhóm hàng hóa NK thuộc các dự án đầu tư cũng tăng lượng NK so với quý trước dẫn đến số thu tăng.

Thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh có nhiều nỗ lực trong triển khai các chính sách thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023; Quyết định 1557 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Danh mục rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế. Đơn vị này cũng hướng dẫn các đơn vị về việc lấy mẫu mặt hàng thép không gỉ; xử lý hoàn thuế hàng hóa có giám định…Đồng thời, chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường các hoạt động kết nối, gặp gỡ, nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thu hút DN về làm thủ tục qua địa bàn; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác phân loại, áp mã, xác định trị giá, quản lý thuế, hoàn thuế, miễn thuế; thu hồi nợ đọng thuế... góp phần thu đúng, đủ và chống thất thu NSNN.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2023, đơn vị đã xây dựng kịch bản thu NSNN và đề ra các giải pháp linh hoạt để triển khai thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Trong đó, tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp, chủ động nắm bắt thông tin về chính sách XNK của Trung Quốc; đồng hành bám sát kế hoạch sản xuất kinh doanh, XNK của các DN; từ đó kịp thời tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh những giải pháp thiết thực, hiệu quả để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút DN, thúc đẩy thương mại qua địa bàn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK nhằm duy trì và phát triển nguồn thu cũ và tăng thu từ các nguồn thu mới. Chú trọng đồng hành cùng DN theo đúng định hướng “thu hút, giữ chân doanh nghiệp mới” và mục tiêu biến một số nguồn thu mới thành nguồn thu bền vững; nhất là một số nhóm hàng đã có dấu hiệu tăng theo kịch bản thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 như nhóm máy móc thiết bị mỏ, nhóm hàng điện thoại di động, nhóm hàng tiêu dùng...Đồng thời, Chi cục cũng duy trì kiểm soát tốt nội ngành; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa XNK, kịp thời phát hiện hành vi gian lận qua lượng, giá, phân loại hàng hóa, áp mã, thuế suất, xuất xứ; đôn đốc thu hồi nợ thuế; tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại… nhằm chống thất thu ngân sách hiệu quả.

Chi cục Hải quan Móng Cái đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, nhu cầu NK than, NK xăng dầu vẫn lớn, nên sẽ tiếp tục có nguồn thu tốt từ các hoạt động này. Song bên cạnh đó, có không ít khó khăn tác động đến hoạt động thu từ hoạt động XNK của Quảng Ninh. Trong đó, về mặt chính sách thì từ 1/7-31/12/2023, Chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế GTGT; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường thế giới giảm, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và XNK của các DN… Do đó, Cục Hải quan tỉnh đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để quản lý và tăng thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ thực hiện và giảm thời gian thông quan, chi phí cho DN; triển khai các giải pháp giữ chân DN, thu hút trở lại và thu hút thêm DN về làm thủ tục hải quan. Đồng thời, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng sẽ tập trung các giải pháp như: rà soát, đánh giá lại các khoản thu, nguồn thu chính theo tiến độ hàng tháng, hàng quý và chủ động xây dựng dự toán 2024; tiếp tục tập trung giải quyết những kiến nghị, vướng mặc của doanh nghiệp; bám sát chỉ đạo, định hướng, lộ trình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu thực tế quản trên nền tảng cửa khẩu số...

Cùng với đó, tính đến cuối tháng 9, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) đã thu nộp ngân sách hơn 135 tỷ đồng, bằng 113% chỉ tiêu Cục giao, bằng 109% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số thu ngân sách của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, thu từ quặng sắt, thạch cao, gỗ, đường chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% trên tổng số thu. Đáng lưu ý, chỉ trong những ngày đầu tháng 9/2023, tại đơn vị phát sinh mặt hàng nước tăng lực Redbull, xuất xứ từ Thái Lan đã mang lại số thuế GTGT rất lớn, chiếm gần 30% tổng số thu hiện tại. Đây là mặt hàng do các doanh nghiệp có trụ sở đóng tại tỉnh Hà Tĩnh, thường xuyên làm thủ tục qua Chi cục Hải quan quốc tế Cầu Treo nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài gây sạt lở ở cung đường đèo Đất (đường số 8) thuộc địa phận tỉnh Bô ly khăm xay (Lào) khiến tuyến đường huyết mạch nối cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đi Lào và ngược lại bị ách tắc, do đó các DN đã làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng nước tăng lực Redbull qua đường cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Trong khi chờ nâng cấp cải tạo lại cung đường số 8 thuộc tỉnh Bô ly khăm xay (Lào), dự kiến các DN sẽ tiếp tục làm thủ tục qua cửa khẩu Cha Lo đến hết năm 2023. Với số lượng tờ khai phát sinh hàng ngày (5-7 tờ khai), thuế GTGT trung bình khoảng 2 tỷ đồng/ngày, dự kiến đến hết năm 2023, số thu thuế tại Chi cục sẽ vượt qua con số 200 tỷ đồng. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo cũng xác định, mặt hàng nước giải khát chỉ mang lại nguồn thu đột biến, không có tính ổn định lâu dài. Chính vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đạt kết quả cao nhất, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo tiếp tục triển khai tốt các giải pháp tăng thu ngân sách, quản lý sát tình hình thu nộp, nuôi dưỡng nguồn thu và chú trọng tạo nguồn thu mới. Đặc biệt, Chi cục cũng chú trọng cải tiến quy trình thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, thực hiện dịch vụ công ở mức độ cao nhất nhằm giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN.

Đánh giá về công tác thu NSNN của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh: Bước sang năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động kinh doanh, XNK của các DN. Cùng với đó, các chính sách tài khóa hỗ trợ DN, người dân cũng kéo theo việc giảm thu của ngành Hải quan. Minh chứng rõ nét là 9/10 Cục Hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn đều giảm mạnh. Tuy nhiên, trong khó khăn chung, Hải quan Quảng Ninh với cách làm linh hoạt, quyết liệt đã tiếp tục trở thành điểm sáng trong toàn ngành. Nổi bật là Cục đã xây dựng kịch bản thu theo từng tuần, từng tháng, từng quý, từng nhóm mặt hàng và từng loại hình DN. Đồng thời, chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường các hoạt động kết nối, gặp gỡ, nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thu hút DN về làm thủ tục qua địa bàn; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác phân loại, áp mã, xác định trị giá, quản lý thuế, hoàn thuế, miễn thuế; thu hồi nợ đọng thuế. Từ đó, đảm bảo thu ngân sách đúng, đủ, kịp thời theo kịch bản đặt ra.

Hải quan không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ mới

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Phạm Duyên Phương cho biết, Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức từ ngày 10 đến 12/10/2023 tại Hà Nội, là cơ hội để Hải quan Việt Nam tiếp cận nhiều công nghệ mới. Ngoài ra, thông qua Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO, Hải quan Việt Nam muốn chia sẻ các thông điệp quan trọng như: Hải quan Việt Nam luôn luôn mong muốn vươn lên trở thành cơ quan dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời mong muốn thu nhận nhân tài, nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Đội ngũ cán bộ công chức Hải quan Việt Nam là lực lượng chuyên nghiệp, thân thiện, cởi mở để chào đón các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, đưa nước ta hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hải quan Việt Nam liên tục đổi mới, luôn luôn sẵn sàng đổi mới, áp dụng công nghệ mới. Thông qua Hội nghị và Triển lãm lần này, Hải quan Việt Nam mong muốn tiếp tục tìm được những công nghệ mới tốt nhất để áp dụng tại Việt Nam…

Liên quan đến mục tiêu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh đang được Hải quan Việt Nam tập trung triển khai, trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 xác định: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Để chuyển đổi số thành công phải tìm các giải pháp về công nghệ phù hợp, bởi cơ quan Hải quan là cơ quan ứng dụng, không phải cơ quan sáng tạo về công nghệ. Trên cơ sở đó, 3 yếu tố quan trọng để thực hiện được mục tiêu trên là áp dụng Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vận (IOT) và Trí tuệ nhận tạo (AI), sẽ giúp cơ quan Hải quan đạt được đồng thời cả 2 nhiệm vụ là tạo thuận lợi thương mại và phòng, chống buôn lậu hiệu quả. Về việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài công nghệ trong lĩnh vực Hải quan, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan cho rằng, cách thu hút nhân lực công nghệ của cơ quan Hải quan khác các công ty công nghệ, đơn vị nghiên cứu công nghệ. Bởi, với thực tế quản lý hiện nay, có 2 lĩnh vực cơ quan Hải quan đang cần thu hút nhân tài về công nghệ. Đó là, lĩnh vực về quản trị dữ liệu, bởi dữ liệu là tài nguyên, tài sản quốc gia, vì vậy, quản trị dữ liệu là vô cùng quan trọng, đảm bảo thu thập dữ liệu một cách tin cậy nhất, sử dụng, quản lý hiệu quả nhất… Thứ hai, là thu hút nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu và xây dựng quy trình, mô hình dữ liệu để xây dựng thành các quy định pháp luật, quy trình thủ tục quản lý, đồng thời ứng dụng trong quản trị dữ liệu.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành Hải quan hiện có Trường Hải quan Việt Nam, trước khi cán bộ công chức được phân công các công tác nghiệp vụ cụ thể sẽ được đào tạo, bồi dưỡng tại đây, trong đó có đào tạo về công nghệ. Ngoài ra, khi có các công nghệ mới, ngành Hải quan cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức. Đặc biệt, để góp phần cũng ngành Hải quan thực hiện thành công tác mục tiêu về cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong công tác nghiệp vụ luôn cần sự đồng hành, hợp tác của các công ty công nghệ.

Lưu Hiệp

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文