Các hãng hàng không sẵn sàng nhưng gặp nhiều "rào cản"
Chiều 24/12, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định đang rất mong ngóng để khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ. Mặc dù về máy bay và con người đều đã sẵn sàng để bay, tuy nhiên lịch phân bổ bay thế nào, cụ thể bao nhiêu chuyến và phương án cách ly hành khách đang tiếp tục là "rào cản".
Chiều 24/12, trao đổi với phóng viên, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết, theo kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ được chấp thuận, Vietjet dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore, Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1/2022.
Trong giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ 1/1/2022, các chặng bay sẽ được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách và sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo khai thác an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo, Vietjet dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây đến các quốc gia khác trong khu vực và các quốc gia xa hơn như Ấn Độ, Nga...
Cùng ngày, hãng hàng không Bamboo Airways thông tin, trước mắt trong giai đoạn đầu, Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ. Sau đó, hãng tiến tới bay quốc tế thường lệ hàng ngày, đồng thời mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép. Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, mặc dù dịch bệnh, Bamboo Airways vẫn rốt ráo chuẩn bị và hoàn thiện mọi thủ tục cần thiết để tăng tần suất và mở mới các đường bay quốc tế.
"Chúng tôi đánh giá thị trường hàng không đang chuẩn bị khôi phục mạnh mẽ. Trước bối cảnh lạc quan đó, Bamboo Airways dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022, đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng trong và ngoài nước", ông Đặng Tất Thắng nói.
Trước đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trước đại dịch, trong năm 2019, mạng bay quốc tế chiếm gần 65% doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines. Việc khôi phục mạng bay quốc tế sẽ là một yếu tố quan trọng giúp hãng hàng không có thêm doanh thu, bù đắp chi phí, sớm vượt qua khó khăn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Vietnam Airlines lên kế hoạch khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn khoảng hai tuần. Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách.
Giai đoạn 2, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia. Tần suất khai thác sẽ theo phương án phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam…
Mặc dù các hãng đã lên kế hoạch chi tiết, song Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn điều kiện phòng dịch với khách nhập cảnh Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi cho 9 nhà chức trách hàng không tại các thị trường dự kiến khôi phục đường bay. Đến chiều muộn 23/12, cơ quan này mới nhận duy nhất văn bản đồng thuận của nhà chức trách Nhật Bản.
"Cục cũng đã họp với các hãng, thống nhất phương án triển khai, phân bổ cho các hãng theo nguyên tắc: Hãng nào đã có đường bay từ trước dịch sẽ được phân bổ. Hay nói cách khác là sẽ khôi phục đường bay cho các hãng đã có chuyến bay. Trước mắt, sẽ thực hiện 4 chuyến một tuần cho mỗi bên. Chưa xem xét cho hãng mới trong giai đoạn này", ông Sơn nói.
Ngày 24/12, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách cả hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cụ thể, với hãng Vietnam Airlines bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh-Tokyo và ngược lại, 3 chuyến/chiều/tuần. Hãng hàng không Vietjet Air bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh-Tokyo và ngược lại, 1 chuyến/chiều/tuần. Hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways bay chặng Tokyo-Hà Nội/TP Hồ Chí Minh và ngược lại, tần suất không vượt quá 4 chuyến/chiều/tuần cho tổng cả hai hãng.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không có trách nhiệm tổ chức kiểm tra nhằm đảm bảo hành khách trước khi lên máy bay vào Việt Nam đã hoàn thành các yêu cầu phòng chống dịch, phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam; Giấy chứng nhận tiêm chủng/Hộ chiếu vaccine hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 (quy định tại văn bản số10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế v/v phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh), đối với hành khách chưa tiêm đủ hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà (quy định tại văn bản số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế, hoặc xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày) tại các khách sạn theo danh sách được địa phương công bố đủ điều kiện cách ly.