Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI
Sau tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) có kế hoạch đến đầu tư tại Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. Vì vậy, để “giữ chân” và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư FDI, điều quan trọng là các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cần được tháo gỡ những bất cập, khó khăn tồn đọng trong khâu chính sách, giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các KCN, KCX…
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn hecta, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 khu kinh tế (KKT), trong đó 17 KCN đang hoạt động và 21 KCN đang xây dựng.
Các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020, đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, đến nay TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD. “Khi nền kinh tế mở lại sau dịch, kinh tế phục hồi như chiếc lò xo bị nén, các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến đầu tư vào KCN, KCX”, ông Nguyễn Tuấn nói.
Có thể thấy Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA (những hiệp định này không chỉ thỏa thuận về thương mại mà còn đề cập tới đổi mới thể chế liên quan đến thương mại và đầu tư) là những điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư ngoại. Mặt khác, nhiều sự cố trong quan hệ Mỹ - Trung đã tạo nên việc chuyển dòng đầu tư FDI vào Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Hiện, có nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến và nhiều nhà đầu tư lớn của châu Âu, Mỹ, Canada cũng đang khảo sát môi trường đầu tư của Việt Nam để quyết định lựa chọn.
Điều đó cũng cho thấy, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là điểm đến khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc để “giữ chân” các DN ngoại yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam thì vấn đề cần phải giải quyết ngay đó cải thiện môi trường đầu tư hiện đang còn nhiều bất cập.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc phát triển DN thuộc CTCP Long Hậu - chủ đầu tư KCN Long Hậu chia sẻ, cơ chế để các DN đến đầu tư mở nhà máy trong các KCN hiện cơ bản đã thông thoáng. Tuy nhiên, việc DN tự loay hoay tìm kiếm thông tin vì không có một cơ quan chính thống nào trả lời cho DN biết rõ ràng trước khi họ ra quyết định đầu tư, đó chính là rào cản trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút FDI.
Vì vậy, vấn đề là làm sao giúp các DN biết được khoản đầu tư hay ý định đầu tư của mình sẽ được áp dụng những chính sách như thế nào ngay từ lúc đầu.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, suốt quá trình từ 1990 đến nay đã trải qua 30 năm, hệ thống các KCN đã phát triển rất mạnh. Đặc biệt, trong 2 năm qua, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đã tăng lên đáng kể trong các KCN lớn của Việt Nam, đã thu hút được đầu tư FDI cũng như đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nói về những bất cập còn tồn tại của KCN, KCX Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ đã lấy ví dụ để so sánh tổng các KCN ở Việt Nam với 1 KCN SHXIP ở Thượng Hải. Ví dụ này cũng chính là những kiến nghị về cách thức phát triển KCN ở Việt Nam.
Cụ thể, ở KCN Việt Nam tổng số dự án đầu tư FDI là 820 dự án với tổng vốn 14,7 tỷ USD, trong khi KCN SHXIP ở Thượng Hải chỉ thu hút 564 dự án FDI với tổng vốn 9,6 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm nổi bật của KCN SHXIP ở Thượng Hải là có 17 đầu mối khu vực, 96 trung tâm nghiên cứu phát triển, 52 nhà đầu tư trong danh sách 500, trong khi KCN Việt Nam không có con số nào…
Làm gì để các KCN, KCX của Việt Nam phát triển mạnh hơn để thu hút đầu tư? GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải khắc phục những nhược điểm mà các KCN, KCX còn tồn tại, cụ thể: Đó là chất thị trường trong phát triển các KCN Việt Nam còn ít, thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Hiện, các KCN lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ.
Đồng thời, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN. Cùng với đó, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư vào KCN, KCX thì Việt Nam cần phải giúp các nhà đầu tư tiếp cận được các thông tin liên quan đến chính sách đầu tư, hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các KCN, KCX. Đồng thời, giải đáp về các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư đang gặp phải trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng rất được các nhà đầu tư FDI quan tâm.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, các KCN, KCX đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ở một số tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển, thu ngân sách từ các KCN chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách.