Cần hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất
Ngày 16/8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung vào việc duy trì hoạt động hỗ trợ vốn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm và chăm lo đời sống một cách thiết thực cho người lao động. Để việc hỗ trợ DN hiệu quả, kịp thời, TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất Thành phố với tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN và người lao động.
TP Hồ Chí Minh giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chính sách hộ trợ DN của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ… cũng như tham mưu Thành phố kiến nghị với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho DN "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm".
Để hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, TP Hồ Chí Minh cũng giao Cục thuế, Sở Công thương, các quận huyện và TP Thủ Đức cùng Tổng công ty Điện lực, cấp nước đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ sẵn có và có phương án cụ thể.
Đại diện DN FDI lo ngại, nếu giãn cách xã hội kéo dài, dòng vốn FDI có nguy cơ rời khỏi Thành phố. Ông Nguyễn Hữu, Giám đốc một DN trong nghành dệt may ở quận Bình Tân lo lắng, dù DN đã bỏ tiền hỗ trợ mỗi công nhân 20 kg gạo cùng thực phẩm và một ít tiền để công nhân có thể cầm cự thời điểm dịch bệnh. Nhưng giãn cách xã hội kéo dài đã khiến không ít công nhân phải về quê. Với tình trạng này khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, DN khó có thể tìm kiếm đủ lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh được ngay.
Để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài trong gần 2 năm qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các NHTM thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, các NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho gần 800.000 khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỉ đồng.
Mới đây, 16 NHTM đã tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ các DN với số lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỉ đồng từ nay đến cuối năm. Cùng lúc, đã có ngân hàng giảm mức lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống còn 7%/năm. Tuy vậy, trong kiến nghị với NHNN vào ngày 24/8 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho rằng, hầu như các doanh nghiệp BĐS tại thành phố đều chưa được ngân hàng xem xét, hỗ trợ vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, lĩnh vực BĐS đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở lãi suất huy động tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội BĐS Thành phố đề nghị NHNN khuyến nghị các NHTM xem xét giảm lãi cho vay ở mức 2%/năm cho khách hàng để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.