Cần khung chính sách ổn định để điện gió thay thế nhiệt điện than
Trong một thông báo được phát đi vào cuối tháng 11 vừa qua, sau khi phân tích, so sánh giá điện ở một loạt nước phát triển và các quốc gia trong khu vực, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng giá điện ở nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao trong quý IV.
Ở trong nước, từ đầu năm đến nay do biến động giá nhiên liệu như than, dầu, khí thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Đại diện EVN cho biết, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi thực hiện cắt giảm một loạt chi phí, EVN dự báo sẽ còn lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng trong năm nay.
Chưa dừng lại ở đây, EVN còn cho biết, theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021. Do vậy dự kiến năm tới EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh. Nhưng dù EVN đã phải “thắt lưng buộc bụng” để giữ giá điện, thì người tiêu dùng vẫn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tăng giá điện.
Tại Hội nghị khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2022 tổ chức ngày 25/11 vừa qua, TS Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt khuyến cáo như cần có sự quản lý chặt chẽ quy hoạch điện, tránh sự mất cân đối về điện giữa các miền, nghiên cứu xây dựng đường dây một chiều liên miền... để có thể huy động hiệu quả lượng điện giá rẻ, điện sạch. Từ vấn đề được TS Nguyễn Mạnh Cường nêu ra là sản lượng điện sản xuất năm ngoái đạt 256 tỉ kWh, thì nguồn nhiệt điện than chiếm đến 46%, thủy điện chỉ còn đạt 31% và nhiệt điện khí là 10%.
Phân tích về sản lượng điện huy động từ các nguồn phát hiện nay, đại diện một nhà máy điện gió cho rằng, ngoài việc chi phí sản xuất than trong nước tăng, thì lượng than rất lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài cũng không tránh khỏi tăng giá do khủng hoảng nhiên liệu của châu Âu và đồng USD tăng giá. Trong các nguồn phát điện, điện than không phải rẻ nhất bởi còn đứng sau thủy điện nên thời điểm giá than tăng cao, điện than đã không còn chiếm ưu thế so với giá điện gió, điện mặt trời. Nhất là khi sau thời gian được hưởng mức giá ưu đãi, cuối tháng 11 vừa qua, giá mua điện gió, điện mặt trời từ các nhà máy đã được EVN đề xuất Bộ Công Thương chỉ còn ở mức 1.188 - 1.570 đồng/kWh đối với các dự án điện mặt trời chuyển tiếp.
Với điện gió, giá mua của EVN từ các nhà máy chỉ còn được đề xuất ở mức 1.591-1.945 đồng/kWh. Mức giá trên là có cơ sở khi được EVN tính toán dựa trên thông tin từ 99 dự án điện mặt trời và 109 dự án điện gió đã ký hợp đồng bán điện cho EVN. Như vậy giá điện sạch trong thời gian tới chỉ còn cao hơn không đáng kể so với điện sản xuất từ than trong tình hình giá than biến động hiện nay. Trong khi đó, tuy có giá bán điện ổn định và ngày càng giảm, nhưng dù công suất lắp đặt của các dự án điện gió, điện mặt trời đã chiếm 27% tổng công suất của hệ thống điện, thì công suất khai thác của điện gió, điện mặt trời vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn dù đã có một lượng vốn rất lớn trong xã hội đầu tư cho phát triển nguồn điện sạch.
Xảy ra tình trạng trên ngoài phụ thuộc vào vấn đề thời tiết, còn do nơi không cần thì dư thừa, nơi cần điện thì thiếu hoặc có ít nhà máy. TS Nguyễn Mạnh Cường nêu ra con số, trong 2 năm 2010-2021, công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống tăng thêm 51.000 MW, nhưng đã có sự phân bố không đồng đều giữa các miền. Điều này dẫn tới hệ quả, sự vận hành nặng nề của lưới điện 500kV liên kết Bắc Nam, gây ra mức rủi ro cao với an ninh cung cấp điện.
Khảo sát của VNDIRECT đã chỉ ra rằng, Việt Nam đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển điện sạch ở khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 20 nước có công suất lớn về điện sạch. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò chủ lực trong việc phát triển nhanh lĩnh vực sản xuất điện sạch những năm gần đây. Nhưng để điện gió trên bờ và ven biển phát triển nhanh với giá rẻ trong những năm tới, nhà đầu tư vẫn đang trông chờ vào một khung chính sách ổn định, cởi mở trong thu hút đầu tư để tránh tình trạng “chập chờn” trong đầu tư phát triển điện sạch gây lãng phí hàng tỷ USD nguồn lực như đã từng xảy ra.