Cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp ở Hà Tĩnh

06:38 28/02/2024

Mặc dù lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) song thời gian vừa qua, tình trạng tàu cá vi phạm trong quá trình khai thác hải sản vẫn còn ở mức cao, trong khi các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Ngày 26/2, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ban hành Quyết định số 894/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Nguyễn Văn Tam (SN 1993), trú tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An số tiền 50 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi khai thác hải sản trái phép tại vùng lộng thuộc vùng biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ngoài ra, hai thuyền trưởng do ông Tam thuê để lái tàu đánh cá cũng bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng trong thời gian 3 tháng.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuyên truyền ngư dân chấp hành các quy định về khai thác hải sản hợp pháp theo quy định.

Trước đó, vào khoảng 19h30 ngày 18/2, tại vùng biển huyện Nghi Xuân, cách bờ 8 hải lý, lực lượng Đồn Biên phòng Lạch Kèn, đóng tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân phát hiện và bắt giữ 2 tàu cá mang số hiệu NA 99926 -TS và NA 99928- TS đang khai thác hải sản trái phép tại vùng lộng, thuộc vùng biển huyện Nghi Xuân. Cả 2 tàu cá đều có chiều dài hơn 22,7 m do ông Nguyễn Văn Tam làm chủ. Sau khi phát hiện hành vi vi phạm, lực lượng chức năng đã đưa người, phương tiện, tang vật về neo đậu tại cảng Xuân Hội để xử lý theo quy định pháp luật.

Thông tin từ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới vùng biển và chống khai thác IUU trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chỉ trong thời gian 5 ngày, từ ngày 18 đến 21/2, trong lúc tuần tra, kiểm soát, lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 5 tàu giã cào với 29 thuyền viên có hành vi đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên biển. Cụ thể, vào lúc 19h35 ngày 18/2, tại vùng biển Nghi Xuân, cách bờ khoảng 8 hải lý, lực lượng tuần tra đã phát hiện bắt giữ 2 tàu cá BKS NA-99926TS do ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1993) làm chủ phương tiện và tàu cá mang số hiệu NA-99928TS do ông Nguyễn Đình Hùng (SN 1973) làm chủ phương tiện. Trên 2 tàu này còn có 16 thuyền viên khác đều trú tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Đến 19h41 cùng ngày, tại vùng biển huyện Cẩm Xuyên, cách bờ khoảng 9 hải lý, lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ tàu cá BKS HT-90356TS do ông Bùi Quang Dũng (SN 1978) làm chủ phương tiện, trên tàu còn có 4 thuyền viên khác đều trú tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuần tra, vào khoảng 10h ngày 19/2, tại vùng biển Lộc Hà, cách bờ khoảng 8 hải lý, lực lượng tuần tra đã phát hiện bắt thêm 2 tàu cá tỉnh Nghệ An, BKS NA-94252TS do ông Nguyễn Văn Kiều (SN 1977) điều khiển và tàu cá NA-80215TS do ông Trần Hưng Bình (SN 1988) làm chủ phương tiện. Trên 2 tàu cá còn có 4 thuyền viên khác đều trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Các vụ việc đang được lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hoàn chỉnh hồ sơ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 2/2024, tỉnh Hà Tĩnh có có tổng số 2.710 tàu cá đã được đăng ký đang hoạt động. Trong đó, đội tàu hoạt động tại vùng lộng (chiều dài từ 12m đến dưới 15m) có 401 chiếc; đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi có 89 chiếc và 2.220 chiếc là loại tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 12m hoạt động vùng biển ven bờ. Cũng đến thời điểm này, toàn tỉnh có 185 tàu cá đã hết thời hạn trên giấy phép khai thác thủy sản, 277 tàu cá nằm trong diện phải đăng kiểm nhưng đã hết hạn đăng kiểm và 25 tàu cá đang hoạt động thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng chưa được cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 86/86 tàu cá đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng qua theo dõi cho thấy, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng bị mất kết nối từ 6 tháng trở lên là 16 chiếc và tàu mất kết nối trên 1 năm là 12 chiếc.

Trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hà Tĩnh coi đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác thủy sản cũng như công tác quản lý nhà nước ngành thủy sản của tỉnh, phù hợp với tình hình công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống khai thác IUU trên địa bàn, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Hằng năm, lực lượng Kiểm ngư phối hợp, Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển. Trên cơ sở thông tin đường dây nóng, trong thời gian qua công tác tuần tra, kiểm soát trên biển đã thu nhiều kết quả nhất định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó tập trung các hành vi về khai thác IUU.

Mặc dù vậy, tình hình tàu cá vi phạm khai thác IUU trên địa bàn Hà Tĩnh trong năm qua vẫn còn ở mức cao. Số liệu báo cáo cho thấy, trong năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 246 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển. Qua đó, phát hiện và xử lý 53 vụ với 56 tàu cá vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 730 triệu đồng, tăng 23 vụ và tăng 252 triệu đồng so với năm 2022. Cùng với đó, trong năm 2023, Văn phòng IUU Hà Tĩnh đã phát hiện và lập biên bản trên 300 lượt tàu thuyền vi phạm khai thác thủy sản trái phép. Các lỗi vi phạm chủ yếu là hết hạn đăng kiểm, không duy trì thiết bị giám sát hành trình và khai thác sai vùng quy định.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân chính dẫn đến việc tàu cá vi phạm trong khai thác hải sản tăng cao là do tỷ lệ đăng kiểm tàu cá đạt thấp, đến nay toàn tỉnh mới đạt 43,47% tàu cá thuộc diện đăng kiểm có giấy chứng nhận an toàn kỷ thuật tàu cá còn hạn sử dụng. Việc đánh dấu tàu cá, kẻ vẽ biển số đạt tỷ lệ 100%, tuy vậy, hiện nay một số tàu cá thực hiện việc đánh dấu, kẻ vẽ biển số không đúng theo quy định. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.157 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản). Hầu hết tại các địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ được việc đóng mới, cải hoán, chuyển nhượng tàu cá tại địa phương dẫn đến tình trạng tàu cá không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép còn nhiều.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đang hoạt động đạt 100%, tuy vậy vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối trên biển và mất kết nối dài ngày. Cùng với đó, việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản tại các cảng cá cho tàu cá cập cảng về cơ bản thực hiện đầy đủ nhưng còn nhiều sai sót. Tình trạng tàu cá khai thác sai vùng quy định, đặc biệt là tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cả trong và ngoài tỉnh đang diễn ra phổ biến. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do việc thực thi pháp luật, kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trên biển chưa nghiêm, tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm khai thác sai vùng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, nhật ký ghi sai, ghi không đúng, không đầy đủ với số lượng lớn nhưng chưa tiến hành xử phạt, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.

Trong khi đó, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới có 2 cảng cá chỉ định tại 2 địa phương, trong khi toàn tỉnh có 6 huyện, thị xã ven biển. Hạn chế này dẫn đến năng lực bốc dỡ hàng hóa qua cảng cũng như việc giám sát sản lượng khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, luồng lạch vào các cảng bị bồi lắng gây khó khăn, cản trở tàu cá ra vào cảng.

Thiên Thảo

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文