Cấp thiết phát triển logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa vùng châu thổ Cửu Long
Châu thổ Cửu Long đóng góp 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu của cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (XK) của vùng này hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu…
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, châu thổ Cửu Long thiếu các trung tâm logistics trọng điểm. Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, phải đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển. Nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics.
Còn theo TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) đánh giá: "Khi chúng ta đã ký kết hiệp định thương mại, đòi hỏi phải đầu tư, nâng tầm dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Hiện tổng chi phí logistics Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP so với mức trung bình thế giới là từ 9 - 14%. Rõ ràng chi phí này còn nặng, để giải phóng sức ì đó chúng ta cần nâng cao chất lượng logistics".
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có các chính sách phát triển KTXH vùng ĐBSCL, đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics. Không chỉ hạ tầng, dịch vụ logistics mà doanh nghiệp trong ngành cũng góp phần quan trọng.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp logistics vùng ĐBSCL còn nhỏ nên cần thu hút các doanh nghiệp logistics đầu đàn mang tính dẫn dắt, cùng với các doanh nghiệp logistics nhỏ vệ tinh phát huy hết khả năng tạo sức mạnh cho hệ thống logistics cả vùng châu thổ. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải thu hút thêm các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng tham gia để phát triển dịch vụ logistics ở ĐBSCL.
Vận tải biển chưa có luồng tàu biển có mớn nước đủ sâu để tàu có trọng tải từ 10.000 - 20.000 tấn ra vào TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận một cách thuận lợi. Theo các chuyên gia, việc nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ nên kết hợp công tư, hay tốt nhất là đấu thầu giữa các DNTN có liên kết, liên doanh với các DN nước ngoài, như: Hà Lan, Nhật Bản, Singapore… đang mua cát thải để đầu tư mở rộng diện tích phát triển kết cấu hạ tầng.
Dự án sẽ thuận lợi và thành công khi được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư như Nghị quyết của Quốc hội: "Thu nhập của DN từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập DN 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án".
Cần phát triển Trung tâm logistics tại Cần Thơ cho hàng hóa cả khu vực ĐBSCL như Nghị quyết của Quốc hội đã đề cập. Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm sẽ giải quyết việc phân tán trong sản xuất, lưu thông phân phối, không thường xuyên và đủ nhiều hàng cho tàu có trọng tải lớn chuyên chở như hiện nay.
Trung tâm logistics khu vực này sẽ được hỗ trợ của "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ", được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, XK nông, thủy sản. DN có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện.
Hợp tác giữa các DN liên quan nhằm tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, qui trình sơ chế, xử lý. Qua đó hạn chế tỷ lệ hao hụt hàng hóa trái cây, nông sản, thủy sản sau thu hoạch, hiện nay từ 30%-35%, bảo đảm chất lượng hàng hóa XK...
Theo quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước định hướng đến năm 2030, ÐBSCL sẽ có 2 Trung tâm hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Các Trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng ÐBSCL.