Chuyển đổi số là bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sau 1 năm triển khai chuyển đổi số, chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã hoàn thiện nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông đã kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia. Hạ tầng kết nối từ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia đã được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Tỉnh cũng đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây và đang thí điểm tại Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (HueIOC), thí điểm kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ. Hiện Thừa Thiên-Huế cũng đã triển khai và thí điểm 5/7 nền tảng số dùng chung, gồm: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Đã triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong 4/7 nền tảng số.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, từ thành công của dịch vụ phản ánh hiện trường ban đầu, đến nay Hue-S đã được mở rộng, tích hợp thêm nhiều dịch vụ đô thị thông minh và chính quyền số, bao gồm các dịch vụ: thông báo cảnh báo; giáo dục đào tạo; chống bão lụt; chống dịch bệnh; taxi; dịch vụ thiết yếu; y tế sức khỏe; giao thông, di chuyển; dịch vụ du lịch; môi trường, tài nguyên; quy hoạch đất đai; cảnh báo cháy…
Về kinh tế số, bước đầu tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng các nền tảng giúp cho doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình có thể tiếp cận một cách đơn giản nhất và phù hợp với tiềm lực của địa phương. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử là 4.842 doanh nghiệp (chiếm gần 85%). Có đến 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx và 2.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Đến nay, tại TP Huế có hơn 300 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và đã có hàng chục ngàn tài khoản cài đặt sử dụng ví điện tử.
Về xã hội số, đến nay, toàn tỉnh có 137/141 xã, phường, thị trấn đã triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng bảo trợ xã hội nhằm góp phần cho người dân thuận lợi trong việc nhận tiền chế độ. Lực lượng Công an các cấp đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền, đoàn thể cùng cấp thành lập 1.074 Tổ lưu động (gồm lực lượng Công an, Đoàn viên, hội viên Hội Phụ nữ và người am hiểu công nghệ thông tin) về từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công. Bên cạnh đó, việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đã thúc đẩy phát triển xã hội số nhằm giúp người dân có kỹ năng số, sử dụng thành thạo nền tảng số để thụ hưởng cuộc sống tốt hơn đối với các dịch vụ số thiết yếu như: tiếp cận thông tin chính thống, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa…
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong năm 2023, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân. Đồng thời, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức.
Tỉnh cũng tiến hành triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước, dần hoàn thiện các chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và cấp huyện trên cơ sở các nội dung của Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ TT&TT. Với mục tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin.
Trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền. 100% cơ quan hành chính các cấp, các đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện triển khai công tác số hóa phục vụ chuyển đổi mô hình công sở số…
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, xác định chuyển đổi số là bước đột phá để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số là lĩnh vực rộng nhưng dưới sự thống nhất điều phối của Chính phủ, Bộ TT&TT; Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế vừa ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian tới, tỉnh phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số. Trước mắt, đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng 4G, hướng đến phủ sóng 5G đến tất cả các thôn, xóm, khu vực dân sinh trên toàn tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng…