Còn dư địa để kiểm soát lạm phát trong chỉ tiêu
Đây là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính tại bổi họp báo thường kỳ quý III, diễn ra chiều 29/9. Với mức tăng CPI bình quân 9 tháng 2,73% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Tài chính khẳng định hiện nay lạm phát của chúng ta đang được kiểm soát tốt.
Tài chính số góp phần tăng thu ngân sách
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 213% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%). Có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Về chi NSNN, tổng chi NSNN 9 tháng đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
“Dự toán thu cân đối NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa (miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí,...) hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát; Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế,... qua đó, góp phần tăng thu cho NSNN”, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Đầu tư công ước chỉ đạt 88%
Trả lời một số câu hỏi mà báo chí quan tâm, đặc biệt là về dư địa kiểm soát lạm phát, ông Đặng Công Khôi – Phó cục trưởng Cục Quản lý giá dẫn số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, đưa CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ năm ngoái; và khẳng định theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, chỉ số lạm phát năm nay không quá 4%- như vậy, dư địa còn tương đối lớn. Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá. Thứ nhất là giá nhiên liệu và năng lượng từ giờ đến cuối năm chắc chắn biến động rất phức tạp, do diễn biến căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó lường. “Chúng tôi cũng nhận thấy thời gian qua giá xăng dầu có xu hướng giảm, nhưng còn 3 tháng nữa từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, có thể có tăng giá nhất định” – ông Khôi nhận định. Thứ hai, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tăng. Thứ ba là ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như: Các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công…, theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo, sẽ giữ ổn định. Cùng với đó là sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá, đặc biệt triển vọng phát triển kinh tế số khả quan, đảm bảo các cân đối kinh tế tốt, giúp giá cả ổn định. “Dư địa để thực hiện các chỉ tiêu đề ra của Quốc hội, Chính phủ 4% là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá lớn”, đại diện Cục Quản lý giá cho biết.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dù khá hơn các năm trước, nhưng vẫn chậm. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022 phải giải ngân đầu tư công đạt 100%, vậy với thực tế hiện nay, liệu mục đích này có đạt được? Trả lời câu hỏi này, bà Mai Thị Thùy Dương- Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết với tiến độ hiện nay, dự kiến đến 31/12- tức hết niên độ, Bộ Tài chính ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 88% vốn trong nước, còn vốn ngoài nước là trên 40%. “Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác, kiểm tra, chỉ đạo, nêu ra 25 nguyên nhân giải ngân chậm, chia ra làm 3 nhóm vấn đề gồm cơ chế, tổ chức thực hiện và do đặc thù của nền kinh tế năm 2022. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi nhận định nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là vướng mắc ở khâu tổ chức thực hiện: cùng một cơ chế, nhưng bộ ngành giải ngân cao, nhưng có bộ ngành chỉ mấy chục % và thậm chí có bộ ngành chưa giải ngân - bằng 0%. Như vậy, rõ ràng khâu thực hiện của một số bộ ngành đang có vấn đề”, bà Dương nói.