Công nhân mong muốn được mua nhà ở xã hội để an cư
Chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023. Trong nhiều vấn đề được người lao động quan tâm, mong muốn có nhà ở và việc làm ổn định là những yêu cầu chính đáng được gửi tới lãnh đạo TP.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Lê Đình Hùng cho biết, TP Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với số công nhân lao động (CNLĐ) đông đảo. Cụ thể, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. LĐLĐ TP cũng đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với gần 9.700 CĐCS, gần 653.808 đoàn viên công đoàn. Trong đó, khu vực SXKD có 6.268 CĐCS, trên 458.000 đoàn viên công đoàn. Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn CNLĐ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; tình hình quan hệ lao động, thị trường lao động và đời sống, việc làm, thu nhập của CNLĐ cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Đã có hàng chục nghìn NLĐ bị thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, thanh toán chế độ một lần BHXH trên địa bàn TP tăng nhanh.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó; tuy sản xuất kinh doanh khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định. Ông Hùng thông tin, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn TP tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập của người lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với CNLĐ ở các Khu công nghiệp và chế xuất.
Đáng lưu ý, theo ông Hùng, vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của người lao động. CNLĐ rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp. Hiện nay, TP có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.
Đặc biệt, khối trường PTTH còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường PTTH công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường PTTH dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ. Ông Lê Đình Hùng phản ánh: “Vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của người lao động. Người lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp”.
Tại buổi đối thoại, trả lời câu hỏi về chính sách nhà ở xã hội dành cho CNLĐ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: “Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân được Trung ương, TP, Thành ủy, các cấp, ngành vô cùng quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ngày mai, Bộ Xây dựng sẽ triển khai kế hoạch này.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động”.
Phát biểu Kết luận tại Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm phát triển của TP trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, TP sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.
“TP sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, TP sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.