Đất Cố đô rộng cửa đón nhà đầu tư Nhật Bản
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), hiện một nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản đang tập trung triển khai xây dựng dự án (DA) tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với kinh phí gần 4.000 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực hơn đó là nhiều NĐT Nhật Bản khác tiếp tục đến đất Cố đô tìm hiểu, đầu tư vào một số lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hiện có nhiều NĐT Nhật Bản đã và đang triển khai các DA với tổng vốn đăng ký hơn 220,3 triệu USD. Đã có hàng ngàn lao động ở địa phương được giải quyết việc làm, góp phần ổn định cuộc sống.
Đất lành chim đậu
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm 6 DA với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD. Trong đó, DA cải thiện môi trường nước TP Huế do JICA tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD là DA viện trợ ODA lớn nhất của Nhật Bản từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 3/2023, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào tỉnh Thừa Thiên-Huế với 16 DA có tổng vốn đăng ký hơn 220,3 triệu USD. Đặc biệt, trong đó DA Trung tâm thương mại AEON MALL Huế tọa lạc tại Khu đô thị mới An Vân Dương của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD (tương đương 3.916 tỷ đồng) vừa được khởi công, đang được khẩn trương xây dựng; dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2024.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, các NĐT đến từ xứ sở hoa Anh đào đã đóng góp không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2022, các doanh nghiệp Nhật Bản đạt doanh thu hơn 12 triệu USD, nộp ngân sách gần 6 triệu USD, giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương. Có thể kể đến là DA của Công ty TNHH MTV Thực Phẩm Huế - một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên vào Huế, được cấp phép từ 1997, hiện hoạt động rất thành công, xây dựng thương hiệu tốt trên thị trường. Hay DA may mặc của Công ty TNHH MSV đã giải quyết cho hơn 1.100 lao động; DA công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen đã hoạt động hiệu quả, sử dụng trên 360 nhân lực về công nghệ thông tin. Ngoài ra, 2 DA lớn đang triển khai xây dựng là Trung tâm thương mại AEON MALL Huế, Nhà máy Nakamoto Việt Nam… sẽ tuyển thêm một lượng lớn lao động ở địa phương.
Bên cạnh đó, một số NĐT cũng đã đến Huế để tìm hiểu đầu tư các DA thân thiện với môi trường. Điển hình, cuối tháng 3/2023, các chuyên gia của Công ty TNHH Enzim - Nhật Bản đến Huế giới thiệu về những công nghệ cũng như sản phẩm được sản xuất từ than bùn nhằm cải thiện môi trường và duy trì sức khỏe. NĐT này mong muốn được hợp tác nghiên cứu khai thác, chế biến than bùn trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, hiện một số khu vực trên địa bàn có lượng than bùn lớn, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng chưa mang lại hiệu quả cao.
"Vì vậy việc nghiên cứu, định hướng khai thác, chế biến và sử dụng than bùn hiệu quả là rất cần thiết. Thừa Thiên-Huế hy vọng, NĐT vừa kể sẽ có những nghiên cứu phù hợp, hiệu quả đối với trữ lượng than bùn trên địa bàn tỉnh; khai thác gắn liền với chế biến ra các sản phẩm có chất lượng đi đối với với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, có những chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm giúp tỉnh khai thác và chế biến than bùn ổn định, bền vững và phù hợp với nhu cầu sử dụng của ngành nông, công nghiệp và lâm nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh", ông Minh kỳ vọng.
Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư
Để thực hiện thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Thừa Thiên-Huế đang lên kế hoạch tổ chức chương trình hội nghị XTĐT. Trong đó, tập trung các NĐT chiến lược của tỉnh trong nước và nước ngoài. Phương thức XTĐT của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng thực hiện rà soát, thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ, không triển khai DA.
Trước đó, nhằm tăng khả năng tiếp cận các NĐT Nhật Bản đến Huế, tháng 8/2022, tỉnh đã tham gia đoàn XTĐT, trao đổi hợp tác và quảng bá du lịch, thương mại tại Nhật Bản. Ngoài tập trung quảng bá thế mạnh địa phương, cơ hội đầu tư khi tham gia chương trình xúc tiến hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với tỉnh Fukuoka và khu vực Kyushu, đoàn đã có các cuộc gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo phủ Kyoto, tỉnh Gifu và phủ Osaka…
Tại các buổi gặp gỡ này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ mong muốn được hợp tác với các NĐT Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch... Kết nối để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp Thừa Thiên-Huế và cơ sở tiếp nhận thực tập tại Nhật Bản ký kết hợp đồng đưa người lao động, sinh viên thực tập đi làm việc tại Nhật Bản theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề trong các ngành: công nghệ thông tin, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, hộ lý, điều dưỡng.
Cùng với việc tham gia và tổ chức các hoạt động XTĐT, hiện Thừa Thiên - Huế tăng cường XTĐT tại chỗ cũng như quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI, nhất là ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các NĐT nước ngoài nghiên cứu và triển khai DA trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, thời gian tới, Thừa Thiên -Huế mong muốn hợp tác với các NĐT Nhật Bản ở một số lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như: hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển du lịch (khai thác tốt du lịch chữa bệnh); công nghệ thông tin; công nghiệp phụ trợ ngành ôtô; nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu lao động tại Nhật Bản; xúc tiến mở đường bay trực tiếp giữa các địa phương Nhật Bản đến tỉnh Thừa Thiên -Huế và ngược lại.