Đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước để thu hút FDI

09:28 15/01/2022

Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày - túi xách, sản xuất, lắp ráp ôtô... nhưng lại đang rất yếu ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện... để hỗ trợ sản xuất.

Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Ngoài các doanh nghiệp (DN) trong nước, làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang "chảy" mạnh vào Việt Nam, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để đáp ứng nhu cầu sản xuất trở nên cấp thiết...

 Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020). Có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Điều đó cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài các nhà đầu tư FDI, các DN trong nước cũng đang dần ổn định và phát triển trở lại, nên đang rất cần các DN cung ứng sản phẩm CNHT để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT, hoặc nếu đầu tư vào CNHT thì phần lớn cũng không đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI do sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.

Điển hình như ngành dệt may, da giày, mặc dù là những ngành nằm trong "top" có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dùng để sản xuất các ngành hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%). Chính vì phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu vào thị trường Trung Quốc, nên khi dịch COVID-19 xảy ra, khiến ngành dệt may, da giày rơi vào tình thế lao đao khi không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Tương tự, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô... đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, nhất là chi phí logictics tăng cao.

DN trong nước trưng bày sản phẩm linh kiện.

Nói về những khó khăn của DN trong nước thuộc lĩnh vực CNHT, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Duy Khanh cho rằng: "Để đầu tư phát triển được thì đòi hỏi các DN trong nước phải mạnh dạn. Bởi, đi đôi với đầu tư phát triển là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó nguồn vốn cuả DN điện, cơ khí nói chung, đa số là DN nhỏ và vừa rất nhiều, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, nên ngân hàng tiếp cận với các dự án ngành cơ khí thường không mặn mà".

Một số DN nước ngoài cũng có nhận xét, DN cung ứng trong nước đang yếu về việc đầu tư vào công nghệ và đầu tư về mặt kiến thức cho đội ngũ lao động ở DN. Có những DN khi trở thành đối tác cung ứng các chi tiết linh kiện cho DN FDI, họ muốn khi tham gia thì phải có đơn hàng ngay, chỉ nhìn về mặt lợi nhuận trước mắt mà chưa nhìn về chặng đường lâu dài.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh (Sở Công Thương) cho biết, phần lớn các DN FDI mong có nhà sản xuất CNHT có định hướng đầu tư dài hạn, có năng lực cung ứng tốt để đồng hành cùng với họ trong quá trình phát triển những sản phẩm, những cụm linh kiện chi tiết. Cụ thể như BOSCH, tìm DN Việt Nam cung ứng sản phẩm chi tiết linh kiện, cụm chi tiết linh kiện trong ngành ôtô…

Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nội địa hóa ngành CNHT còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%. Để hỗ trợ các DN trong nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai các chương trình của TP đó là chương trình kích cầu, hỗ trợ DN tham gia trong giai đoạn sắp tới để DN mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị để làm sao năng lực cạnh tranh của DN của mình ngày càng phát triển hơn, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng, các sản phẩm đầu cuối của DN FDI".

Định hướng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Cụ thể, đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Năm 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Thúy Hà

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文