Đầu tư công là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2023
Trong bức tranh kinh tế quý I/2023 bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì nền kinh tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, đầu tư công được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192,092 tỷ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, song bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng – Tổng cục Thống kê cho rằng, vốn từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý I/2023 ước đạt trên 91,5 nghìn tỷ, bằng 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 77,5 nghìn tỷ, bằng 12,9% kế hoạch năm, tăng 12,3%). Khối lượng thực hiện đầu tư công quý I/2023 đạt trên 91,5 nghìn tỷ là rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I và các quý tiếp theo trong năm 2023.
Về động lực tăng trưởng trong năm 2023, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, đầu tư công sẽ là động lực then chốt khác cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành Xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cũng cho rằng, Việt Nam cần đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Theo đó, tăng trưởng phụ thuộc vào đột phá ở 3 lĩnh vực. Đột phá đầu tiên nằm ở đầu tư công.
Để thúc đẩy đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ các tháng đầu năm.
Hiện, các tỉnh thành phố cũng vào cuộc một cách đồng bộ và ban hành kế hoạch thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, các cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công. Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh nâng công suất khai thác các mỏ đất, đá, cát để tạo nguồn cung tại chỗ; sớm hoàn tất thủ tục khai thác mỏ mới. Bộ cũng đề xuất gia hạn khai thác các mỏ đất phục vụ dự án xây dựng đường cao tốc và tình trạng thiếu vật liệu đang được tháo gỡ từng bước, từ đó có khối lượng hoàn thành để thanh toán - giải ngân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại cuộc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện kiểm tra thực địa các công trình, dự án trọng điểm tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa vừa qua đã ghi nhận, biểu dương các cấp, các ngành của các tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công. Đồng thời, chia sẻ khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trong thời gian tới, các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các dự án giao thông chiến lược đảm bảo tiến độ, chất lượng; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai khởi công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng kế hoạch đã đề ra.