Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại
Ngày 31/3, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023.
Đây là hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%, tuy nhiên, giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).
Trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Cụ thể, một mặt đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, Chính phủ biểu dương ngành Công Thương và lực lượng Thương vụ về những đóng góp trong duy trì thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.
Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất.
Đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.
Để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm nay chúng ta phấn đấu tăng trưởng 8-12% kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt ngưỡng khoảng 800 tỷ USD. Ba tháng đầu năm mới đạt 154 tỷ USD, cứ đà này cuối năm chỉ đạt trên dưới 600 tỷ USD, đây là khoảng cách lớn. Do vậy, Thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp.
Đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Tại đây, các tham tán đã thông tin về thị trường, nhu cầu và xu hướng nhập khẩu của nước sở tại cũng như cách thức đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng, tham gia các hội chợ và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều giải pháp xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.