Để du lịch vùng đất “chín rồng” cất cánh
Thực tế cho thấy, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Những “nút thắt” đang dần được mở ra để vùng đất “Chín Rồng” từng bước khẳng định tầm quan trọng, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Vùng ĐBSCL được hình thành từ những trầm tích phù sa, lắng bồi qua thời gian và ảnh hưởng bởi sự thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những tiểu vùng đất phù sa phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thích hợp cho các sinh vật sinh trưởng.
Cùng với đó, vùng đất này có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ… với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), “đảo ngọc” Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), vườn chim Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp)… Đây là những tài nguyên vô cùng quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, cả vùng còn có hơn 700 km bờ biển và hơn 145 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ: Phú Quốc, Mũi Nai, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); Ba Động (tỉnh Trà Vinh)... Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết hiền hòa, rất ít giông bão, một năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Từ điều kiện tự nhiên đó tạo ra tính cách con người vùng sông nước hào phóng, ôn hòa, thân thiện và nghĩa tình. Sự phóng khoáng ấy thể hiện qua sự hiếu khách, qua ẩm thực và qua cách mà người dân vùng sông nước Cửu Long gửi gắm trong những làn điệu dân ca, đờn ca tài tử... khác biệt với các vùng miền cả nước. Những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử, bản sắc văn hóa đã tạo nên đặc trưng của miền đất và con người phương Nam, góp phần làm nên những sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù.
Có thể khẳng định, ĐBSCL là khu vực “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành du lịch với các loại hình phong phú đa dạng, đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh…
Tiềm năng, thế mạnh là vậy, tuy nhiên, vẫn hiện hữu những “nút thắt”, để giải quyết cần sự chung tay, chung sức, đồng lòng để tìm ra “đường băng” giúp ngành du lịch của vùng đất “chín rồng” cất cánh. Nhiều hội nghị, hội thảo, họp bàn của ngành du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã diễn ra, thậm chí có sự tham gia của “người anh lớn” TP Hồ Chí Minh, thế nhưng thực trạng “mạnh ai nấy làm” và tư duy “không có mợ, chợ vẫn đông” vẫn đang tồn tại.
Mặc dù việc kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch… đã từng bước được triển khai thực hiện nhưng ở mỗi địa phương, cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của ĐBSCL đang dần hoàn thiện, tuy nhiên, do mức độ đầu tư thiết bị và tiện nghi chưa hiện đại, hệ thống dịch vụ bổ sung đơn điệu, nghèo nàn nên chưa đáp ứng nhu cầu du khách có thu nhập cao và khách quốc tế. Vì vậy, ngành du lịch ĐBSCL cần đa dạng hóa hình thức đầu tư thông qua khuyến khích xã hội hóa và các loại hình đầu tư BCC, BOT, BTO, BT, PPP... Đặc biệt, chú trọng khuyến khích đầu tư vào các địa bàn tiềm năng trong phát triển du lịch, đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết để hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
Cung đường kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn hạn chế nên không thể kéo dài hành trình. Cùng với đó, phát triển sản phẩm chủ yếu theo không gian, trùng lắp, chưa đặc thù, thiếu chiều sâu. Chất lượng dịch vụ các điểm đến còn yếu, chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng. Chưa định hình chuỗi giá trị du lịch để liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng sản phẩm du lịch. Chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương trong liên kết. Một số địa phương trong liên kết chưa chủ động trong công tác phối hợp quy hoạch các chuỗi giá trị nhằm liên kết. Các hoạt động giao thương mậu biên chưa được khai thác. Sản phẩm mới trên cung đường và các dịch vụ trải nghiệm tại mỗi địa phương còn thiếu…
Do điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa, lịch sử nên sự phát triển trùng lắp sản phẩm du lịch ở các địa phương trong vùng là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, nếu mỗi địa phương, mỗi điểm đến biết phát huy các giá trị nhân văn của địa phương, có thể hiểu là sự hiếu khách, cách phục vụ, nét văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng địa phương… từ đó sẽ định vị thương hiệu du lịch địa phương, thu hút và giữ chân du khách. Cùng với đó, các địa phương phải tự mình đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch miệt vườn, du lịch tín ngưỡng, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng…
Cần phải nhìn nhận như thế để thấy việc cải thiện, nâng cao tư duy làm du lịch của cộng đồng và tầm nhìn của nhà quản lý du lịch địa phương là rất quan trọng. Thực chất, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động du lịch còn thụ động, mang tính hình thức.
Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng nhưng phần lớn người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến, chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: Chèo thuyền, phục vụ các bữa ăn, khuân vác... Còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan lại thuộc quyền của các đơn vị lữ hành.
Tại các điểm du lịch cộng đồng, đội ngũ lao động hầu như chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm… Người dân bản địa chưa thật sự trở thành một “đại sứ” du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách gần xa.
Nếu sản phẩm du lịch đã có, chất lượng dịch vụ được hoàn thiện thì vai trò của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng là một trong những yếu tố sống còn của ngành du lịch. Trong thời kỳ công nghệ 4.0, cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông minh để quảng bá hình ảnh du lịch, vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả cao.
Và hơn hết, để du lịch của vùng đất “Chín Rồng” cất cánh, trước tiên phải có sự quan tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và phải được hoàn thiện theo tình hình thực tế. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao… Cộng đồng làm du lịch phải nhận thức đúng và ý thức giữ gìn, bảo vệ giá trị của tài nguyên tự nhiên, tài nguyên bản địa. Có như thế “ngành công nghiệp không khói” của vùng ĐBSCL mới có sự bứt phá và phát triển bền vững.