Để ngành bán dẫn Việt Nam chớp thời cơ phát triển
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về ngành bán dẫn đã đầu tư vào Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên, để phát triển và tận dụng được cơ hội thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi.
Thời gian qua, nhiều "ông lớn" trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD tại Việt Nam. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Một số DN vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP Hồ Chí minh, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025. Mới đây, đầu tháng 7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD. Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều DN bán dẫn toàn cầu.
Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức phải đối mặt trong thu hút nhà đầu tư. Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thiếu hụt nhân tài có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là một rào cản rất lớn. Báo cáo từ Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ ra, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chỉ đáp ứng khoảng 20%. Chính vì vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng sẽ tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào giai đoạn 2024-2030. Vào tháng 9/2023, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đào tạo lực lượng lao động và phát triển hệ sinh thái, nhằm tăng cường quan hệ khoa học công nghệ song phương và xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt hơn. Để trang bị nguồn nhân lực cho ngành, Việt Nam và Mỹ sẽ mở các chương trình phát triển lực lượng lao động sâu rộng, bao gồm các phòng thí nghiệm giảng dạy thực hành và các khóa đào tạo tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Hơn nữa, một số công ty bán dẫn lớn của Mỹ, bao gồm Intel, Amkor, Marvell và GlobalFoundries đã cam kết đầu tư đáng kể vào ngành bán dẫn của Việt Nam. Mới đây, Bộ KH&ĐT, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Qorvo và Tập đoàn Cadence (Hoa Kỳ), đã tổ chức Lễ khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch, góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, từng bước hiện thực hóa Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế vi mạch có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới.
Ông Bùi Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Bộ KH&ĐT cho biết, nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. Bộ đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và kết nối, hợp tác với các đối tác chiến lược.
Theo ông Tuấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong dài hạn.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để vượt qua những thách thức đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm về thiết kế, dịch vụ thiết kế, đóng gói và kiểm thử, Việt Nam phải có cách tiếp cận đột phá, khai thác tối đa lợi thế của nước đi sau. Cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các DN. Hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về vi mạch bán dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.