Để nghề nuôi lồng bè thủy sản ở Phú Yên phát triển bền vững
Nằm ở vùng duyên hải khu Nam Trung Bộ, tỉnh Phú Yên có bờ biển dài 189km với nhiều đầm, vịnh, vũng nên giàu tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản (NTTS) với hai vùng tôm, cá nổi tiếng nằm trong vịnh Xuân Đài ở phía Bắc và vịnh Vũng Rô ở phía Nam.
Nuôi tự phát và hệ lụy
Tại “thủ phủ tôm hùm” phía Bắc Phú Yên, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, kết quả kiểm đếm đến cuối tháng 5/2024 cho thấy trên địa bàn này có 3.968 hộ đầu tư 133.562 lồng thủy sản, tập trung chủ yếu ven vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; trong đó có 128.298 lồng tôm hùm thịt, 385 lồng tôm hùm giống và 4.879 lồng cá. Ngoài ra còn có 1.177 bè nuôi tôm, cá, hàu chưa xác định được chủ nhân do người thả nuôi chưa hợp tác thực hiện kiểm đếm, đang được các xã, phường tiến hành xác minh.
Còn ở phía Nam Phú Yên, khu vực vịnh Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa) có 604 hộ gia đình đầu tư nuôi 38.500 lồng thủy sản; trong đó có 36.761 lồng tôm và 1.739 lồng cá. So với năm 2021, con số vừa kể tăng thêm 304 hộ và tăng 22.007 lồng tôm, cá. Nguyên do có người tách riêng, một số lồng bè từ nơi khác lén lút kéo đến ban đêm không kiểm soát được và số liệu kiểm đếm trước đó ghi nhận chưa đầy đủ. Trên địa bàn huyện Tuy An có 816 hộ gia đình đầu tư 12.924 lồng tôm hùm, cá biển và 332 bè nuôi hàu ở vùng biển các xã An Chấn, An Ninh Đông, An Hòa Hải.
Nghề nuôi tôm, cá trong lồng bè của người dân ở những vùng nêu trên đều tự phát dẫn đến nhiều vướng mắc trong quy hoạch, quản lý, sắp xếp, bảo vệ môi trường. Một trong những hậu quả của tình trạng nuôi tôm, cá tự phát là số lượng lồng bè nhiều vùng tăng cao với mật độ dày, khi thời tiết biến động bất thường, nhiệt độ nước thay đổi, lượng oxy hòa tan chưa phù hợp, môi trường không đảm bảo… dẫn đến sự cố tôm, cá chết hàng loạt, thiệt hại rất nghiêm trọng về kinh tế và môi trường. Gần đây nhất chỉ trong một tuần giữa tháng 5/2024 đã xảy ra sự số 129 tấn tôm, cá của 281 hộ gia đình thả nuôi trong 1.631 lồng bè bị chết, tổng thiệt hại ước tính hơn 38,4 tỷ đồng.
Nhiều vướng mắc
UBND thị xã Đông Hòa cho rằng, việc giải tỏa, di dời lồng bè ra khỏi vịnh Vũng Rô có nhiều khó khăn, vướng vấp nên chưa thực hiện được. Thứ nhất là khó xử lý tài sản khi cưỡng chế, vì số lượng tôm, cá sống rất lớn, trọng lượng khác nhau cần phải xác định phương thức kiểm đếm, biện pháp bảo quản… Nếu cưỡng chế bằng biện pháp cẩu kéo lồng bè rời khỏi vịnh Vũng Rô thì không có căn cứ xác định giá trị tài sản, không có nơi tập kết lồng bè và nguy cơ sóng biển xô đập gây thiệt hại tài sản sẽ xảy ra, dẫn đến những hậu quả pháp lý khác.
Thứ hai là hầu hết lồng bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô của người dân địa phương chuyển từ nghề khai thác hải sản ven bờ sang nuôi tôm, cá là nghề nghiệp và nguồn thu nhập chính, đến thời điểm này chưa có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp nên nếu giải tỏa lồng bè sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Thứ ba là chi phí cưỡng chế ước tính hơn 10 tỷ đồng, ngân sách địa phương không thể “gánh” nổi. Trong năm 2021, UBND thị xã Đông Hòa đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cho phép chuyển đổi lộ trình cưỡng chế từ tháng 3 đến 5/2022 đối với chủ lồng bè tôm, cá là người ngoài thị xã Đông Hòa, sau đó sẽ tiếp tục cưỡng chế các trường hợp còn lại, đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cưỡng chế, chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình cưỡng chế, giải tỏa gắn với việc xử lý tài sản, hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người sinh sống bằng nghề nuôi tôm, cá.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, đến nay chưa có địa phương nào thực hiện được việc giao đất mặt nước NTTS cho hộ gia đình; còn việc giải tỏa, sắp xếp lồng bè tôm, cá cũng chưa hoàn thành theo Kết luận số 362-KL/TU ngày 22/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/2/2020 của UBND tỉnh Phú Yên.
Nguyên nhân là do các cấp xã, huyện thiếu quyết liệt trong quản lý, kiểm tra, ngăn chặn nên lồng bè gia tăng trái phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro dịch bệnh, môi trường, trật tự NTTS. Mặt khác, quy hoạch NTTS trước đây hết hiệu lực theo Luật Quy hoạch năm 2017 trong khi quy hoạch không gian biển quốc gia chưa ban hành, quy hoạch tỉnh Phú Yên mới được công bố đầu tháng 3/2024, nhiều diện tích NTTS chồng lấn quy hoạch cảng biển và quy hoạch không gian biển về lĩnh vực quốc phòng.
Bên cạnh đó, quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ chưa được sửa đổi cho phù hợp với tài sản là thủy sản nên các địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong cưỡng chế, tháo dỡ, di dời lồng bè vi phạm; trong khi các địa phương thiếu nhân lực, phương tiện quản lý, kiểm tra các vùng NTTS.
Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đang hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo tính bền vững, nuôi công nghiệp ở vùng biển hở, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác, chế biến, thương mại để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu vừa kể, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm đếm, sắp xếp lại vùng NTTS phù hợp với quy hoạch, giao khu vực biển, cấp mã số cho các cơ sở NTTS lồng bè để tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu thủy sản ổn định, hiệu quả. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển đáp ứng các tiêu chí an toàn kỹ thuật, môi trường, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.