Doanh nghiệp cần chủ động biện pháp phòng vệ thương mại
Cùng với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi XK sang thị trường này.
Đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Trước những thách thức này, các chuyên gia cho rằng, DN cần phải chủ động trong việc tìm hiểu thông tin pháp luật của nước sở tại, thận trọng trong việc tìm hiểu đối tác, thanh toán.
Tại Tọa đàm “Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ” vừa được Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ là thị trường XK chủ lực và lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 73 tỷ USD và thặng dư thương mại khoảng 66 tỷ USD, đưa Việt Nam lên thứ ba về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Điều này thể hiện Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ.
Song trên thực tế, các DNXK gặp không ít những rủi ro về PVTM. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ việc PVTM của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam chiếm khoảng 53% tổng số các vụ việc PVTM, đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Các nguy cơ PVTM ngày càng lớn hơn và các DN nội địa của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp PVTM, để bảo vệ lợi ích nếu bị kiện ở Hoa Kỳ. Do vậy, các vụ việc ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Luật IDVN cho biết, các DN XK Việt Nam khi XK vào Hoa Kỳ ngày càng gặp nhiều các vụ việc PVTM, đây là một khó khăn, ngoài khó khăn về tiêu chuẩn kỹ thuật, rào cản, các biện pháp phòng dịch. Với việc Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, các DN phải hiểu rằng, khi XK vào Hoa Kỳ thì cần phải tính đến các rủi ro về thương mại. Theo đó, có thể kể tới các biện pháp PVTM như chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, lao động… Đối với vấn đề PVTM, ngoài các cuộc điều tra truyền thống thì trong vòng 3 năm trở lại đây, Hoa Kỳ có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động điều tra các biện pháp chống lẩn tránh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thực hiện và điều tra gian lận nguồn gốc xuất xứ, chống sử dụng lao động cưỡng bức do Hải quan Hoa Kỳ thực hiện.
Để ứng phó được với những vụ kiện PVTM, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, DN phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc. Ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường thì cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia đó. DN cũng phải thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin về thị trường.
Trên thực tế, qua một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, hầu hết các DN có tỷ trọng XK lớn không bị áp thuế. Hoa Kỳ kết luận Việt Nam không trợ cấp và không định giá thấp tiền tệ với lốp xe trong thời kỳ rà soát gần nhất; không lẩn tránh biện pháp PVTM đối với thép dây không gỉ dạng tròn và một số sản phẩm ống thép; pin mặt trời XK sang Hoa Kỳ được miễn thuế PVTM tạm thời.
Do vậy, bà Thảo cho rằng, khi tham gia vào thị trường Hoa Kỳ, rất cần sự chủ động của DN trong việc tìm kiếm đối tác, luật sư, ngách thị trường, khi xảy ra sự việc thì cần chủ động tìm hiểu thông tin để kháng cáo. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có nguy cơ rơi vào suy thoái, DNXK của Việt Nam lại phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều thủ đoạn lừa đảo, đặc biệt là các điều khoản thanh toán quốc tế…Vì vậy, các DNXK của Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu và cập nhật quy định pháp luật của Hoa Kỳ, đặc biệt các quy định có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp cận thị trường như quy định về phòng vệ thương mại, vệ sinh phòng dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các quy định liên quan đến tiêu chuẩn sử dụng lao động... Bên cạnh đó, DN cần thận trọng việc tìm kiếm đối tác, đàm phán hợp đồng; cần sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để có những thông tin chất lượng nhằm đánh giá được tình hình tài chính, mức độ tin cậy của các đối tác Hoa Kỳ; hạn chế thanh toán bên thứ 3 (bên môi giới); nên hạn chế việc sử dụng hợp đồng mẫu do bên đối tác cung cấp hoặc các tài liệu thay thế cho hợp đồng như PO, Commercial Invoice vì các tài liệu này không có các điều khoản đảm bảo về giải quyết tranh chấp hoặc điều khoản để ràng buộc, đảm bảo nghĩa vụ của đối tác…
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các DN cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiệp hội ngành hàng trong việc theo dõi, cập nhật cũng như chia sẻ thông tin và chuẩn bị các bước trong quá trình ứng phó. Nếu được đưa vào danh sách có nguy cơ bị khởi kiện, DN cũng cần chủ động trang bị các kiến thức pháp luật về PVTM.