Doanh nghiệp ngại đầu tư vào khu công nghiệp vì vướng đường dân sinh

09:06 08/05/2022

Dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An (gọi tắt là Khu công nghiệp WHA) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với diện tích 498ha, thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đến nay, giai đoạn 1 của dự án cơ bản đã hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, dự án vẫn bị vướng bởi con đường dân sinh cũ, dù con đường mới đã được mở để tránh KCN…

Phối cảnh đường dân sinh cũ và con đường mới tại Khu công nghiệp WHA.

“Hụt” dự án hơn nửa tỷ đô vì đường dân sinh

Dự án Khu công nghiệp WHA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2017 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào ngày 15/3/2021. Đây là dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với diện tích 498ha, thuộc địa bàn các xã: Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Đồng và Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), có tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư, không chỉ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện Nghi Lộc, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định của người dân địa phương. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án với tổng diện tích 143,5ha tại 2 xã Nghi Thuận và Nghi Long đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Và hiện khu công nghiệp này đã thu hút được 14 dự án thứ cấp, trong đó 11 dự án đầu tư nước ngoài và 3 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 530 triệu USD, tổng diện tích cho thuê đất là 56,98ha.

Đặc biệt, dự án chế tạo các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH công nghiệp Goertek Vina có tổng số vốn 500 triệu USD đang triển khai thực hiện. Đến nay, giai đoạn một nhà máy đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6/2022, bước đầu tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Khi cả dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Mặc dù hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp WHA giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành và đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có một số nhà đầu tư quan tâm, khảo sát nhưng lại rút lui vì vướng con đường dân sinh cũ. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: Có 2 nhà đầu tư với trị giá dự án khoảng 600 triệu USD đến khảo sát đầu tư tại Khu công nghiệp WHA nhiều lần. Nhưng thấy đường dân sinh cắt qua khu công nghiệp ngay tại vị trí đất doanh nghiệp lựa chọn, không đảm bảo lưu thông, họ e ngại và không đầu tư vào đây nữa.

Con đường mà ông Hải nhắc đến chính là đường dân sinh dài 520m nối từ quốc lộ 7C vào các xóm Khánh Thiện, Bình Thuận và Rú Thần thuộc địa bàn xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc. Vì đường dân sinh này nằm cắt ngang Khu công nghiệp WHA nên trong quá trình triển khai, cơ quan chức năng cũng đã xây dựng một con đường mới nhằm dịch chuyển ra ngoài phạm vi khu công nghiệp, thay thế đường dân sinh cũ. Đường mới dài 740m, bề rộng mặt đường 6,5m, bằng bê tông cốt thép, có hệ thống đèn đường chiếu sáng, cây xanh đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho nhân dân địa phương lưu thông từ tháng 9/2019. Đồng thời để đảm bảo an toàn, con đường cũng được dựng hàng rào thép kiên cố ngăn cách với một số công trình thuộc Khu công nghiệp WHA. Đường mới đã thông tuyến nhưng khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đóng đường cũ để triển khai dự án thì người dân lại không đồng ý.

Vì sao dân muốn giữ đường cũ?

Qua hệ thống camera giao thông cho thấy, hầu hết người dân đều đi đường mới chạy ven Khu công nghiệp WHA, rất ít đi đường cũ vốn đã xuống cấp, gồ ghề. Thế nhưng, khi chính quyền địa phương thực hiện đóng tuyến, phá dỡ đường cũ để triển khai dự án thì người dân lại phản đối. Lý giải vì sao đã có đường mới mà vẫn chọn đi con đường cũ cắt ngang khu công nghiệp, ông Nguyễn Hồng T, trú tại xóm Bình Thuận cho rằng, con đường cũ là đường cha ông để lại, ngắn, thẳng, đi lại thuận tiện hơn.

Đại diện của ban cán sự xóm Bình Thuận, xã Nghi Thuận cho biết: Khi thực hiện dự án, nhiều người dân không được họp bàn vì không có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, con đường này do cha ông họ tạo ra nên họ có quyền được tham gia bàn bạc, góp ý về việc đóng đường. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc người dân phản đối đóng đường dân sinh cũ.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng cho biết: “Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích nhiều lần nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận. Dù thực tế đường này chỉ xa hơn đường cũ chỉ 200m, quan trọng nhất là người dân lưu thông an toàn. Nếu vẫn tiếp tục đi đường cũ chạy cắt ngang khu công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là khi các nhà máy đi vào hoạt động, sử dụng nhiều xe tải trọng lớn để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa... Mặt khác, sự tồn tại của một con đường dân sinh ngay trong khu công nghiệp sẽ cản trở việc thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp này”.

Thuỳ Anh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文