Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp như ngồi trên "chảo lửa"
Đơn hàng giảm tới 40-70%, bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp (DN) khó chồng khó. Nhiều doanh nghiệp (DN) ở các ngành như gỗ, dăm gỗ, dệt may, thủy sản nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, tận dụng mọi cơ hội để cố gắng qua giai đoạn khó khăn.
Đơn hàng giảm với tốc độ "không phanh"
Chia sẻ với với PV Báo CAND, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, đơn hàng sụt giảm với tốc độ "không phanh" làm cho các DN ngành gỗ nói chung và DN gỗ ở Bình Dương nói chung đang như ngồi trên "chảo lửa", thị trường Mỹ sụt giảm tới 60%, trong khi Mỹ và châu Âu chủ yếu là hàng thành phẩm; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc cũng sụt giảm cả về số lượng, sản phẩm chính XK sang thị trường này chủ yếu là viên nén dùng cho nhà máy nhiệt điện, lò sấy; dăm gỗ dùng để sản xuất bao bì giấy, thùng carton…
"Trong 30 năm làm ngành gỗ chưa bao giờ tôi thấy thấy nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh như hiện nay và không thể dự đoán được. Tại Mỹ, thị trường bất động sản đóng băng đã kéo theo nhu cầu giảm, không ai mua đồ, sửa chữa nhà cửa, dẫn tới hàng tồn kho tăng cao. Trong khi đó, có một thực tế đang diễn ra rất lạ là ngành hàng thiết yếu như thủy sản cũng sụt giảm cho thấy tác động rất lớn của suy thoái ở những thị trường lớn, tác động mạnh tới DN XK Việt", ông Nguyễn Liêm nói.
Đại diện một DN ngành gỗ cũng cho biết, đơn hàng sụt giảm 60-70%, DN giờ đang rất khó khăn về vốn và đơn hàng. Tiền thuế VAT chưa được hoàn cũng đang là vấn đề lớn đối với DN. Vừa rồi, DN đi khảo sát thị trường, gặp gỡ các đối tác ở thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc, Hàn Quốc để tìm kiếm đơn hàng nhưng nhìn chung rất khó khăn.
Đơn hàng "rớt" thảm hại, EU lấy chưa tới 10%, Mỹ cũng chỉ duy trì khoảng 30%, tuỳ theo từng mặt hàng. Đặc biệt, chi phí hoàn thuế VAT không được hoàn thì DN đã khó lại càng thêm khó, không có lãi thậm chí là lỗ, không cạnh tranh được. Ví dụ, giá dăm gỗ một số nước chào bán 125 USD/tấn, trong khi đó, giá vốn của Việt Nam đã 130 USD/tấn, không đủ sức để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại với các nước.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết, giá tôm tiêu thụ giảm, sức mua các thị trường lớn trên thế giới chậm, cộng thêm tôm bị bệnh. Tất cả yếu tố tiêu cực này đang có sự cộng hưởng khiến các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm đều như ngồi trên đống lửa. Theo ông Lực, tháng 4, XK tôm của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước, đạt 287 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, hiện tại, DN đang bị tác động bởi thị trường đầu ra thu hẹp, sụt giảm đơn hàng XK. Riêng trong quý I, DN sụt giảm 10%; trong quý II, quý III được cho là thời kỳ cao điểm của tiêu thụ sản phẩm may mặc nhưng lượng đơn hàng giảm 20-30%.
Theo các DN, một yếu tố khiến XK giảm mạnh là nhiều nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại. Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá XK không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các DN sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Người tiêu dùng Mỹ, EU thắt chặt hầu bao trước tác động của lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn, căng thẳng địa chính trị…
Nỗ lực duy trì đơn hàng, tìm kiếm thị trường mới
Ông Nguyễn Liêm cho biết, hiện DN ngành gỗ ở Bình Dương đang loay hoay với việc tìm kiếm đơn hàng và các thị trường khác bằng cách đi tham gia các hội chợ quốc tế như ở Dubai, Đức, Trung Đông…
Tuy nhiên việc gặp gỡ, chào hàng đến lúc có thể ký kết hợp đồng cũng mất rất nhiều thời gian, ít nhất từ 6 tháng tới cả năm nên việc mở rộng thị trường và thị trường ngách cũng là một bài toán nan giải trong thời điểm này. Nếu giải quyết được vấn đề hoàn thuế VAT cho DN ngành gỗ cũng là bước hỗ trợ thiết thực nhất cho DN trong bối cảnh chung hiện nay. "Mục tiêu lớn nhất hiện nay là tồn tại, giữ chân được người lao động, duy trì được hoạt động của nhà máy". ông Liêm nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết trong trạng thái nghe ngóng tình hình. Dự kiến, đến tháng 8 năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ mới có thể sôi động trở lại.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện, thị trường chính sụt giảm thì DN chuyển hướng sang các thị trường khác như Australia, Trung Đông, Ảrập, New Zaeland…, những thị trường này không lớn nhưng cũng mang lại hy vọng bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng của các thị trường lớn.
Cùng với đó, sản xuất các đơn hàng về đồ bảo hộ lao động. "DN may giờ đang "ăn đong" đơn hàng trong ngắn hạn, theo đó, đơn hàng trong quý III/2023 của DN mới đạt khoảng 50%, DN phải tăng tốc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động", ông Hồng cho hay.
Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, TS Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, trong lúc khó khăn về thị trường XK, tùy theo từng ngành hàng thì thị trường trong nước vẫn là điểm tựa cho DN khai thác.
Với gần 100 triệu dân, thị trường trong nước đang được coi là mảnh đất "màu mỡ". Do vậy, DN cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường thị trường đầu ra, tiết giảm chi phí. DN cũng cần có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và chiếm lĩnh thị trường.
Với ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, các DN chế biến phải tính toán tiết kiệm mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng giá mua tôm thương phẩm, chia sẻ khó khăn người nuôi. Song song là cố gắng tìm các mặt hàng mới có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh tôm các nước khác, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm thu hút người tiêu dùng. Về lâu dài, các DN phải xây dựng chiến lược hoạt động nhằm xây dựng hình ảnh của mình và qua đó sẽ từng bước hình thành hình ảnh chung tôm Việt.
Để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của DN, như: Kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023; chi phí lao động cần được giảm.
Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ, cho phép DN được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN tuân thủ tốt pháp luật. Đưa thuế thu nhập DN đối với các DN XK về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với DN các nước khác...