Đồng Tháp hỗ trợ người dân hồi hương ổn định cuộc sống

09:11 15/10/2021

Những ngày qua, tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận hơn 30.000 người trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Quá trình tiếp nhận người dân, ngành chức năng đã phát phiếu thu nhập thông tin từng người, khảo sát nhu cầu lao động và nghề nghiệp để có hướng dẫn, kết nối việc làm ổn định cuộc sống cho các trường hợp dự định ở lại địa phương.

Hơn 5 năm qua, anh Huỳnh Thanh Tuấn ngụ huyện Châu Thành, đã làm việc tại Khu Công nghiệp ở Bình Dương. Mỗi năm, anh Tuấn tích góp và gửi về gia đình ở Đồng Tháp, từ 20 đến 30 triệu đồng. Trong đợt dịch COVID-19, anh Tuấn không có việc làm trong nhiều tháng liền. Số tiền dành dụm cũng đã cạn nên đầu tháng 10, anh Tuấn quyết định trở về quê, định tạm thời sẽ ở quê phụ giúp gia đình, tình hình ổn định, anh mới quay lại Bình Dương để tiếp tục làm việc.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tăng cao.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Bí thư huyện Châu Thành cho biết, khi tiếp nhận công dân trở về quê và quá trình cách ly, địa phương có xây dựng và gửi phiếu thu nhập thông tin cho từng công dân. Việc này nhằm khảo sát nhu cầu lao động và nghề nghiệp của họ đang làm. Trên cơ sở đó, ngành chức năng tổng hợp và có hình thức hỗ trợ phù hợp, kết nối đến các doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân.

Còn anh Lê Tính Lập, ngụ huyện Lấp Vò cho biết, đã có nhiều năm làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Dịch COVID-19 nên công việc của anh bị ảnh hưởng, buộc lòng phải trở về quê. “Em dự tính sẽ ở lại địa phương để tìm một công việc ổn định, vừa có thu nhập và phụ giúp thêm cho gia đình”, anh Lập nói. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, qua khảo sát ý kiến của hơn 21.000 người đủ 18 tuổi trở lên đã trở về địa phương, có 6.400 người muốn ở lại Đồng Tháp để học nghề, tự tạo việc làm và tham gia xuất khẩu lao động. 14.000 người mong muốn trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh để làm việc sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Số còn lại chưa đưa ra quyết định.

Đồng Tháp hiện có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “4 tại chỗ”, với gần 24.000 lao động, chiếm tỷ lệ hơn 43% so với thời điểm hoạt động bình thường. 114 doanh nghiệp trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 18.000 người lao động và 69 doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng có nhu cầu tuyển dụng với số lượng trên. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế và các địa phương có Khu, Cụm Công nghiệp chủ động kết nối cung cầu cho người lao động đang sinh sống trên địa bàn và lao động trở về từ các tỉnh, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Việc này nhằm chủ động tránh tình trạng lao động dư dôi, trong khi doanh nghiệp lại khát lao động khi trở lại hoạt động bình thường.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.600 doanh nghiệp, khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp này sẽ tăng cao. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra một số giải pháp cụ thể, lao động trở về địa phương có nhu cầu đi làm ngay, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ kết nối cung ứng giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu. Đối với lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức dạy ngoại ngữ, giáo dịch định hướng trực tuyến và mời các công ty để giới thiệu và tổ chức phỏng vấn. Lao động có nhu cầu học nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở từng địa phương sẽ mở lớp dạy nghề theo đăng ký.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, quan điểm của địa phương luôn rộng mở đón người dân trở về. Tỉnh đã tiến hành phân loại, lấy ý kiến, định hướng để có kế hoạch giới thiệu, kết nối lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đồng Tháp tăng cường kết nối cung cầu lao động đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng Tháp cũng tập trung giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người lao động giải quyết việc làm để tăng thêm thu nhập. “Sau dịch, tỉnh khuyến khích công nhân tiếp tục trở lại làm việc, còn trường hợp ở lại địa phương thì sẽ kết nối, giới thiệu đến các doanh nghiệp. Lao động tự do chưa có nghề, tỉnh sẽ hỗ trợ trong công tác đào tạo”, ông Nghĩa nói.

Tại TP Cần Thơ, những ngày qua có hơn 10.000 người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương. Trong đó khoảng 70% công dân ở độ tuổi lao động. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết đã yêu cầu các sở, ngành và các quận, huyện thống kê nguồn lao động hiện có, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm và sẵn sàng cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. TP Cần Thơ cũng xây dựng phương án, có giải pháp kịp thời cung ứng, ổn định thị trường lao động, từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất cho các thành phần kinh tế.

Văn Vĩnh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文