Đồng thuận biểu giá điện lũy tiến nhưng kéo giãn bậc thang và giảm chênh lệch giá
Ngoài góp ý về biểu giá, đa phần các chuyên gia nhất trí với việc giữ bậc thang nhưng kéo giãn khoảng cách giữa các bậc và thu hẹp chênh lệch giá, nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng, hội thảo bị “nhầm vai” khi EVN đứng ra tổ chức thay vì Bộ Công Thương, cơ quan được giao quản lý Nhà nước về mặt hàng nhạy cảm này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nay với cương vị đại diện đơn vị tư vấn đề án cho biết, việc cải cách biểu giá này nhằm các mục tiêu: Khắc phục bất cập của biểu giá điện hiện tại, bảo đảm có biểu giá đơn giản, công khai, minh bạch, dễ áp dụng. Thứ hai là đảm bảo phù hợp với thực tiễn khách hàng sử dụng điện và tiện cho theo dõi, quản lý, kiểm tra, thanh toán tiền của ngành điện. Tiếp đó, biểu giá này vẫn phải khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với lộ trình thị trường điện cạnh tranh.
Biểu giá điện mới dự kiến báo cáo Thủ tướng vào tháng 10 đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: Hoa Việt Cường. |
Nguyên tắc của việc điều chỉnh lần này là cải tiến biểu giá nhưng không làm tăng giá điện bình quân (vẫn là 1.747 đồng) và không tăng doanh thu của ngành điện nếu không tăng lượng sử dụng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ có nhận được một số ý kiến góp ý của khách hàng xoay quanh việc có nên quy định biểu giá lũy tiến bậc thang hay không; xem xét mốc tiêu thụ 50kWh điện đầu tiên và xem xét cải tiến theo hướng giảm dần số bậc thang. Các phương án cũng phải xem xét khả năng của ngân sách trong việc hỗ trợ hộ nghèo, vì việc này sẽ được thực hiện nhất quán.
Có mặt tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: Từ năm 2009 đến nay, qua 7 lần điều chỉnh giá điện đều không bao giờ tạo được sự đồng thuận bởi 2 lý do: Thứ nhất là người dân không muốn tăng giá, thứ hai là EVN chưa “công khai thì có công khai, nhưng chưa minh bạch”, cơ quan quản lý Nhà nước lý lẽ chưa thuyết phục. Thị trường điện là độc quyền, mặt xấu nhiều hơn mặt tốt, nên Nhà nước phải kiểm soát, mà công cụ kiểm soát tốt nhất là giá.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, biểu giá 6 bậc đã gây bức xúc và phải sửa chữa, cho nên việc đề án để 3 phương án, trong đó có phương án giữ nguyên là bảo thủ và có phần thừa thãi. “Quan điểm của tôi là không nên biến cái đơn giản thành cái phức tạp. Cái bất hợp lý của 6 bậc là không hài hoà lợi ích giữa DN và người tiêu dùng. Tham khảo trong khu vực thì hầu như dùng biểu giá điện lũy tiến, vì điện là năng lượng được sản xuất từ nguyên liệu không thể tái tạo nên phải khuyến khích tiết kiệm, Việt Nam lại cung không đủ cầu nên giá phải khuyến khích sử dụng hợp lý. Tôi đồng ý giữa biểu giá bậc thang, nhưng mức giá từng bậc chênh nhau quá cao mà phân khúc giữa các bậc lại quá ngắn. Do đó, chỉ cần sửa điểm này, giảm mức độ chênh lệch giá và giữa các bậc thang và tăng khoảng cách giữa các bậc này”.
Ý kiến giữ biểu giá điện bậc thang được 100% các chuyên gia có mặt tại hội thảo nhất trí, do đặc thù Việt Nam còn thiếu điện. Cụ thể hơn, GS.TS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đề xuất, nên gộp bậc 1 và bậc 2 của biểu giá hiện nay làm 1 và đưa biểu giá thành 5 bậc, tránh gây xáo trộn. PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhất trí bậc thang tối thiểu tăng từ 50 lên 100kWh bởi mức sống hiện nay đã khác.
Bên cạnh đó, nên quy định ít bậc thang cho đơn giản, minh bạch. GS. TSKH Nguyễn Quang Thái – Hội Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, sẽ không bao giờ tìm được một phương án điều chỉnh tất cả đều có lợi mà không hại cho ai cả. “Bình quân gia quyền vẫn như cũ, doanh thu của EVN giữ nguyên thì lợi anh này phải thiệt cho anh khác. Vấn đề là điều chỉnh thế nào để “du di” giữa các nhóm lợi ích tương đối hài hoà, khoảng cách giữa các bậc thang phù hợp để tránh giật cục, để khi người ta “chuyển hạng” không bị quá đột ngột”.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí phương án biểu giá bậc thang lũy tiến, tuy nhiên đề nghị cân nhắc làm sao không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp. “Là đại biểu Quốc hội của một tỉnh nghèo, tôi xin thông báo là 1,3 triệu dân Sóc Trăng của chúng tôi chỉ có hơn 100.000 người sử dụng hơn 100kWh điện/tháng. Ở nông thôn, cả nhà có 2 ngọn đèn, có thêm cái tivi nhỏ. Tính thế nào để tính, phải đảm bảo đời sống cho người nghèo”.
Ông Kiên cũng cho rằng, việc “mỗi tháng có 2 đồng chí đi ghi chỉ số điện là cách làm của thế kỷ trước”, nên tìm cách tính chỉ số trung bình rồi thu dựa theo mức đó, cuối năm tính toán một lần như một số nước để tiết kiệm sức lao động.
Đại diện cho tiếng nói của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng không chỉ phải đối mặt với giá điện, mà còn giá xăng, giá cước xe… Nếu đặt vào vị trí người tiêu dùng sẽ thấy giá điện là vấn đề rất nhạy cảm, nên cân nhắc thế nào để bảo đảm hài hoà lợi ích.
“Giá đồng mức không phù hợp, giá phải khuyến khích tiết kiệm, nên áp dụng giá lũy tiến. Còn bao nhiêu cho đủ là công việc của nhà chuyên môn. Tôi không nói 6 hay 5 hay 4 bậc, miễn là mức giá đó có lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi rất ủng hộ. Nếu các đồng chí có vất vả một chút để tính toán, vì người tiêu dùng, tôi cho rằng nên cố gắng” - ông Hùng bày tỏ.
Trở lại việc ngồi "nhầm vai", nhiều chuyên gia cho rằng: Đây lẽ ra phải là việc của Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Điều tiết điện lực. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục này phải ngồi vị trí chủ trì, chứ không phải ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc EVN. GS Nguyễn Quang Thái còn cho rằng như vậy là Cục đã chọn cách dễ, “thế này thắng là tôi hưởng, thua là tại tham mưu (tức EVN)”. Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Đây là việc của Bộ Công Thương, EVN đứng ra làm, toàn bộ xã hội sẽ nhìn vào, sẽ hiểu lầm. “Anh kinh doanh chứ anh không làm giá điện cho nhà nước. EVN không phải là ngành điện. Phải phân biệt rất rõ về chức năng và thẩm quyền, nếu không người ta sẽ quy vào EVN là đại diện cho nhà nước về mặt quản lý Nhà nước về giá điện”. |