Du lịch miền Trung rộng cửa đón khách quốc tế

08:10 15/03/2022

Theo lộ trình, Du lịch Việt Nam tái mở cửa hoàn toàn và triển khai đón khách quốc tế bắt đầu từ 15/3 tại tất cả các địa phương với phương châm “thích ứng linh hoạt” với COVID-19, thay vì thí điểm như hiện nay.

Để đón bắt cơ hội này, chính quyền và ngành Du lịch các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch; chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương án an toàn để đón khách du lịch quốc tế trở lại...

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, cùng với việc đón khách du lịch quốc tế trở lại, trong tháng 3/2022, tỉnh Quảng Nam cũng đăng cai Năm Du lịch Quốc gia bắt đầu từ ngày 26/3. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch lớn hứa hẹn thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Nam vào dịp này.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị các điều kiện an toàn khi mở cửa lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế đến Quảng Nam, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch mở cửa hoạt động du lịch. Trong đó, có các phương án phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch. Đồng thời, hướng dẫn, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ du lịch, dự báo nhu cầu thị trường, chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch…

Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, UBND TP Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế. Riêng đối với ngành Du lịch, chính quyền thành phố và Sở Du lịch đã sớm xây dựng các nhóm giải pháp về kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư mở rộng bến thủy nội địa CT15 để phục vụ các tour, tuyến tham quan, khám phá trên biển và bán đảo Sơn Trà; hoàn chỉnh thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành; tổ chức khai thác phố du lịch An Thượng và thí điểm mô hình bãi biển đêm Mỹ An. Bên cạnh đó, thống nhất triển khai thí điểm đề án khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang để phục vụ du lịch

“Chúng tôi đang phối hợp với Hiệp hội du lịch thành phố cùng các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không, khu điểm tham quan… chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ chương trình kích cầu thu hút khách trong nước và quốc tế. Trong đó, sẽ làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm đã có và vận động, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu,  sáng tạo tổ chức các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp xu hướng, thị hiếu khách”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cũng cho hay, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng mọi kế hoạch về tour, tuyến cũng như các phương án phòng, chống dịch COVID-19; cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ để đón khách quốc tế vào ngày 15/3. Trước mắt, từ tháng 3 đến tháng 6/2022, dự báo thị trường khách quốc tế được nối lại chủ yếu tập trung ở một số quốc gia Đông Nam Á, như: Thái Lan, Singapore. Trong khi đó, các thị trường khách lớn của Đà Nẵng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu vẫn đang dè dặt trong việc mở cửa cũng như tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong việc cách ly y tế, nên số lượng khách chưa nhiều…

Và, với phương án mở cửa hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới, để đón và phục vụ khách quốc tế quay lại, cùng với việc nối lại các đường bay, hiện có 50% số cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng mở cửa phục vụ khách và 150 đơn vị lữ hành đang hoạt động trở lại với nhiều sản phẩm du lịch mới, thú vị…

Tỉnh Quảng Nam chuẩn bị đầy đủ các phương án đón khách quốc tế trở lại.

Tuy nhiên những quy định về việc cách ly, xét nghiệm, giám sát đối với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cũng đang là vấn đề khiến ngành Du lịch quan tâm và e ngại. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng nói rằng, cùng với sự chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, các doanh nghiệp, khách sạn tại Đà Nẵng đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng và Sở Du lịch về các quy trình đón tiếp khách và cách ly trong trường hợp phát hiện các đoàn khách có ca F0.

Các doanh nghiệp ngành Du lịch tại TP Đà Nẵng đều có chung băn khoăn, theo quy định, du khách quốc tế muốn vào Việt Nam cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Bộ Y tế khuyến cáo, trong vòng 3 ngày từ khi nhập cảnh, du khách không rời khỏi nơi lưu trú; trường hợp trong ngày thứ 2, thứ 3 muốn rời khỏi nơi lưu trú thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính mỗi ngày. Ngoài ra, du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm, hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải xét nghiệm liên tục hàng ngày… Do vậy, việc cách ly y tế 24 giờ hay 72 giờ sẽ gây rào cản về chi phí lớn cho du khách, kéo dài thời gian du khách, trả thêm phí dịch vụ không đáng có, làm mất khả năng cạnh tranh cho du lịch và  gây tốn kém thêm nguồn lực xã hội…

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những quyết sách của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 15/2, đó là mở cửa trở lại du lịch quốc tế hoàn toàn, không cách ly như trước đại dịch.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong 2 tháng đầu năm 2022, số lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 138,8 nghìn lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 478,3 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng cũng như so sánh với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đây là tín hiệu khởi đầu cho thấy ngành Du lịch Đà Nẵng đang từng bước gượng dậy sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Du lịch Đà Nẵng đang chủ động thích ứng an toàn và nỗ lực nắm bắt cơ hội để hồi phục tăng trưởng và tạo dấu ấn mới trong năm 2022…

Thân Lai - Hoài Thu

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文