EUDR có hiệu lực sẽ tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) được Nghị viện thông qua ngày 29/6/2023 và áp dụng từ ngày 30/12/2024. Các quy định của EUDR chính thức được thực thi vào ngày 1/1/2025 và sau 24 tháng với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việt Nam hiện có ba mặt hàng xuất khẩu vào EU, bao gồm: Cà phê, gỗ và cao su chịu sự điều chỉnh của EUDR. Trong đó, mặt hàng cà phê sẽ gặp khó khăn nhất.
Cà phê, gỗ và cao su chịu sự điều chỉnh của EUDR
TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends cho rằng, quy định chống phá rừng của EU nhằm mục tiêu chặn các mặt hàng có quá trình sản xuất liên quan đến phá rừng. Phá rừng bao gồm khía cạnh không bảo đảm quy định luật pháp quốc gia - nơi mặt hàng này được sản xuất.
Phá rừng cũng liên quan đến chuyện chuyển đổi rừng hoặc chất lượng rừng giảm để sản xuất các loại hàng hóa đó. 7 mặt hàng chịu tác động từ dự luật này bao gồm: Chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất từ 7 sản phẩm này như da, socola, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ cũng chịu tác động bởi EUDR. Với Việt Nam, 3 mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi quy định này gồm cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, nhưng EU cho phép các DN nhập khẩu các mặt hàng này tùy theo quy mô của mình có thời gian chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu. Đối với các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu của EU có quy mô lớn sẽ có 18 tháng để chuẩn bị. Cụ thể, quy định này chính thức áp dụng cho DN nhập khẩu quy mô lớn của EU đến cuối tháng 12/2024. Tuy nhiên, đối với các DN quy mô vừa và nhỏ, EU cho khoảng thời gian chuẩn bị dài hơn là 24 tháng khi quy định này chính thức có hiệu lực. Theo đó, các DN nhỏ và vừa XK 7 mặt hàng trên vào EU sẽ phải thực hiện quy định này vào cuối tháng 6/2025.
Hiện tổng kim ngạch XK của 3 mặt hàng gỗ, cao su và cà phê Việt Nam vào EU mỗi năm trên 2 tỷ USD, tùy mặt hàng có kim ngạch khác nhau. Trong đó, mặt hàng cà phê XK vào EU có kim ngạch lớn nhất khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Trên 40% tổng lượng cà phê của Việt Nam được XK vào EU. Với mặt hàng gỗ, mỗi năm Việt Nam XK sang EU gần 700 triệu USD, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của EU. Kim ngạch XK cao su tự nhiên và sản phẩm cao su Việt Nam vào EU chiếm tỷ trọng cũng tương đối nhỏ, mỗi năm vào khoảng trên 600 triệu USD trên tổng 5 tỷ USD sản phẩm cao su và cao su tự nhiên XK đi tất cả các thị trường. Mặc dù kim ngạch XK của các mặt hàng gỗ và cao su của Việt Nam vào EU có tỷ trọng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 5 - 6% nhưng EU vẫn nằm 1 trong 5 thị trường XK chính các mặt hàng này của Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, khi EUDR bắt đầu có hiệu lực thì chắc chắn quy định này sẽ tác động đến một loạt DN của Việt Nam, đặc biệt là các DN XK.
Đối với ngành cao su, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng cho biết, rủi ro với quy định của EUDR là rất thấp, nhất là từ năm 2017, Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng. Nếu tính từ năm 2020, cao su Việt Nam không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh của đại điền và mỗi năm từ 15.000 - 20.000 ha.
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 9/11, ông Dương Văn Thành, Trưởng phòng Bền Vững, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Vĩnh Hiệp XK cà phê tới 60 nước trên thế giới, trong đó thị trường chính là EU. Trước quy định mới của EU về EUDR, DN đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường nhập khẩu, liên kết với các nông hộ xây dựng vùng trồng bền vững. Theo đó, DN sản xuất cà phê có trách nhiệm, đã đạt được những chứng chỉ quốc tế mà những nhà nhập khẩu rang xay chấp nhận 4C, RA… các chứng nhận này đã được các nhà nhập khẩu EU chấp nhận, trên nền tảng đó, một số vùng nguyên liệu đã xác định được và có lợi thế khi áp dụng các yêu cầu của EUDR. Còn lại những vùng nguyên liệu chưa phù hợp, DN sẽ triển khai xác định trong thời gian tới.
Doanh nghiệp đang chờ hướng dẫn của EU
Theo ông Dương Văn Thành, khó khăn lớn nhất đối với DN trước EUDR là hiện EU mới đưa ra quy định nhưng chưa có hướng dẫn, Vĩnh Hiệp nói riêng và các DN ngành cà phê nói chung vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của EU. Do EUDR chưa có hướng dẫn cụ thể, nên DN sợ làm sẽ không đúng hướng dẫn, dẫn tới tốn chi phí và công sức. Do vậy, DN không dám làm nhanh. Tuy nhiên, DN vẫn phải chủ động chuẩn bị trước, không thể chờ họ ra hướng dẫn rồi mới làm, điều này cũng có rủi ro.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu là nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Do vậy, để ổn định thị phần XK cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam phải tuân thủ quy định EUDR. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay mà ngành cà phê đang phải đối mặt là chưa có một cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn. “Chúng ta có thể khẳng định là trước thời điểm 31/12/2020, hầu như không có chuyện phá rừng để trồng cà phê, nhưng để chứng minh nguồn gốc theo yêu cầu của EU thì rất khó khăn. Cho nên đề nghị có sự hỗ trợ đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cũng như các địa phương để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, phải có bản đồ rừng chính xác ở thời điểm 31/12/2020 để xác định các vùng ít nguy cơ, vùng có nguy cơ và nhiều nguy cơ, để từ đó sàng lọc và truy xuất nguồn gốc tốt hơn trong thời gian tới”, đại diện Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho hay.
Về giải pháp hỗ trợ các ngành hàng thích ứng đối với quy định EUDR, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững cho rằng, giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó sẽ chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Vì vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.
TS Tô Xuân Phúc cho biết thêm, trong thời gian tới cần xây dựng bản đồ hiện trạng rừng; xây dựng các vùng sản xuất rủi ro, vùng an toàn. Đồng thời, rà soát hệ thống thông tin dữ liệu về rừng và đất lâm nghiệp, kết quả giao đất rừng (chủ rừng, sổ đỏ), các diện tích chồng lấn. Đầu tư nguồn lực cần thiết để thực hiện Khung kế hoạch thích ứng.