Giá điện 2 thành phần liệu có lợi cả đôi bên?

07:52 14/04/2024

Cơ quan chức năng vừa thông tin về lộ trình áp dụng thí điểm đối với khách hàng theo cơ chế giá điện hai (2) thành phần gồm: Giá công suất và giá điện năng. Việc áp dụng giá điện này sẽ giúp khách hàng tiết giảm tiền điện, ngành điện tối ưu được nguồn điện, công suất.

Tiết kiệm tiền điện, tối ưu nguồn phát điện

Biểu giá bán lẻ điện hiện nay chỉ áp dụng một thành phần giá điện năng (đ/kWh). Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.

Theo đó, với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kW hoặc đ/kVA) mục tiêu là làm cho khách hàng phải luôn quan tâm đến chế độ sử dụng điện của mình để giảm hóa đơn tiền điện. Điều này giúp ngành điện giảm Pmax (công suất mang tải cực đại của hệ thống điện), tăng khả năng huy động nguồn phát nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị ngành điện của khách hàng thông qua chỉ số Tmax (thời gian sử dụng công suất cực đại).

Việc áp dụng giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện nên cơ chế giá điện 2 thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.

Với giá điện 2 thành phần, khách hàng sẽ trả khoản tiền cho giá công suất sử dụng và khoản phải trả cho phần giá điện năng (số kWh tiêu thụ thực tế). Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng. Nôm na nó khá giống với giá cước điện thoại cố định, tức là một số tiền cố định gọi là tiền thuê bao hàng tháng, dù không nghe gọi gì, gọi là giá công suất. Phần thứ hai là tính trên lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng.

Theo ông Đức, cơ chế giá điện 2 thành phần công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng. Ví dụ, 2 khách hàng sử dụng điện là một nhà hàng và một nhà máy. Nhà máy hoạt động đều 24/24h, điện năng tiêu thụ ổn định. Nhà hàng thì chỉ sử dụng điện mạnh vào bữa trưa và bữa tối. Nếu sản lượng điện hai bên dùng như nhau thì công suất cực đại của nhà hàng lớn hơn, như vậy đường dây, trạm biến áp phải chuẩn bị công suất lớn hơn, chi phí lớn hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, biểu giá điện 2 thành phần có 3 tác dụng: Giá điện 2 thành phần sẽ phát ra những tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và chi phí vận hành. Bên cạnh đó, người sử dụng điện biết được chi phí sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sử dụng điện sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất. Góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện thực hiện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Như biểu giá điện một thành phần hiện nay, công suất đăng ký cao nhưng sử dụng thấp thì cũng không ổn.

Biểu giá điện 2 thành phần giúp cân bằng phụ tải cho hệ thống. Cơ chế này giúp các hộ sử dụng điện sử dụng ổn định hơn, các phụ tải cũng ổn định hơn mọi thời điểm. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện 2 thành phần nhưng chủ yếu cho khách hàng sản xuất kinh doanh, có một số nơi áp dụng cho điện sinh hoạt.

Giá bán điện 2 thành phần với nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Tuy nhiên, để áp dụng cơ chế giá này đòi hỏi hệ thống đo đếm được 2 thành phần điện năng (kWh) và công suất (Pmax/Imax). Như vậy, việc áp dụng và triển khai hệ thống giá bán cần phải đảm bảo sự sẵn sàng của hạ tầng điện lực như công tơ đo đếm và truyền dữ liệu.

Việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh.

Mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy

Hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (những khách hàng thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU). Tính đến năm 2019, toàn quốc đã lắp đặt hơn 523 nghìn công tơ TOU cho tất cả các khách hàng đủ điều kiện áp dụng Biểu giá TOU như khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ.

Như vậy, về hạ tầng ngành điện (công nghệ thông tin, hệ thống đo đếm) đã sẵn sàng cho phép việc áp dụng biểu giá 2 thành phần. Tuy nhiên, việc áp dụng biểu giá này sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy, công tác tuyên truyền để khách hàng hiểu rõ áp dụng và giai đoạn thí điểm thật, nhằm tổng kết đánh giá ưu nhược điểm, rút ra bài học của cơ chế mới trước khi áp dụng cơ chế/chính sách mới rộng rãi vào cuộc sống.

Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành). Do áp dụng thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên sẽ chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và đem lại hiệu quả cho khách hàng.

Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, Thái Lan, Trung Quốc… áp dụng giá điện 2 thành phần. Khi điều chỉnh giá điện, hầu như khách hàng không kêu ca bởi chi phí cố định giữ nguyên và minh bạch. Hiện nay, chúng ta nghiên cứu thí điểm là đúng để đánh giá tác động của nó ra sao, để chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án. Đặc biệt với người tiêu dùng sẽ có cơ hội đánh giá và so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá khi sử dụng điện. Chúng ta cần có thời gian thí điểm như vậy để đánh giá, tổng kết và nhân rộng đại trà nếu thực sự hiệu quả.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, ở thời điểm hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm trên giấy đối với nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, giá điện 2 thành phần được tính theo công thức như sau: TC = Cp*Pmax + Ca*A = Cp*Pmax + Ca*P max*T max. Trong đó: TC: Tổng giá trị hóa đơn tiền điện khách hàng phải trả; Pmax là công suất lớn nhất mà khách hàng sử dụng; Cp là đơn giá công suất đ/kW; Cp*Pmax là phần trả cho công suất; Tmax là thời gian sử dụng công suất lớn nhất. A là lượng điện năng tiêu thụ thực tế (A = Pmax * Tmax); Ca là đơn giá điện năng tiêu thụ đ/kWh. Ca *A là khoản trả cho điện năng tiêu thụ thực tế. Giá điện bình quân cho 1 kWh (GT (1 kWh)) sẽ được tính theo công thức GT (1 kWh) = Cp /Tmax + Ca.

Kết quả tính toán giá điện bình quân cho 1 kWh như trên cho thấy, nếu Tmax càng lớn (tương ứng với hệ số sử dụng nguồn điện, hệ số phụ tải) thì giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả sẽ càng giảm và ngược lại. Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: Ngành điện - Bên cung ứng điện và người tiêu dùng - các khách hàng tiêu thụ điện.

Giá điện 2 thành phần đã được đề cập và nghiên cứu khá lâu, tuy nhiên do một số yếu tố chưa triển khai áp dụng. Đầu năm 2024, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất lộ trình, những khách hàng áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần.

Lưu Hiệp

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文