Giải "bài toán" phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực hết sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có dư địa thị trường lớn, nhưng năng lực cung ứng của doanh nghiệp (DN) trong nước còn rất thấp. Vì vậy, khoảng trống của thị trường trong nước chính là cơ hội của DN Việt nếu biết cách tận dụng và phát triển.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban kế hoạch kinh doanh và đối ngoại công ty Toyota Việt Nam khẳng định: "Một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đó là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, chưa thu hút được các nhà cung cấp linh kiện. Sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn hẳn so với một số nước trong khu vực như Thái lan, Indonesia… Do thiếu quy mô sản xuất tập trung nên ngành ôtô trong nước rất khó để nội địa hóa".
Theo phân tích của ông Nguyễn Trung Hiếu, Thái Lan sản xuất khoảng 2 triệu xe thì trong đó 50% dành cho nội địa và 50% xuất khẩu (XK), Indonesia sản xuất khoảng 1,1 -1,2 triệu xe thì trong đó tiêu dùng nội địa chiếm 80-90% còn lại XK, Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 250-300 ngàn chiếc xe/năm. Thái Lan, Indonesia XK sang Việt Nam và các nước khác. Như vậy xe ôtô của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp từ các nước trong khu vực, trong khi thuế suất nhập khẩu (NK) xe nguyên chiếc từ các nước về Việt Nam 0%. Vì vậy ngay tại thị trường trong nước, ngành ôtô cũng đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hàng Việt với hàng NK. Với ngành CNHT, gần 500 DN Việt Nam có đủ tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cấp 1 để cung ứng linh kiện cho ngành ôtô.
Vấn đề gốc rễ để ngành ôtô trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm NK và khó thu hút các DN cung ứng nguyên liệu trong nước là do sản lượng sản xuất nhỏ, dẫn đến chi phí lớn. Để khắc phục những bất lợi này, ông Hiếu kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích dòng xe có sản lượng lớn để giảm chi phí. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ để giảm chi phí đầu tư, giảm thuế NK nguyên vật liệu, đồng thời tăng cường kết nối và nâng cao năng lực cho nhà cung cấp.
Về thuế NK, các DN cho rằng, quy định của luật là giảm dần mức thuế từ thành phẩm tới nguyên liệu thô. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều mặt hàng nguyên liệu vẫn bị đánh thuế. Theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Điện Quang, thuế với một số sản phẩm linh kiện điện tử đang không khuyến khích sản xuất. Đơn cử, thuế NK bo mạch điện tử cho máy tính bằng 0%, nhưng linh kiện lắp ráp bo mạch phải chịu thuế khiến bo mạch điện tử sản xuất trong nước chịu thuế khoảng 3%, không cạnh tranh bằng việc NK.
Khảo sát về tình hình thực tiễn của DN, bà Bùi Thị Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành NC Network cho rằng, những khó khăn mà DN phải đối mặt đó là thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu... thì DN cũng mong muốn có lãi suất hợp lý, cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản. Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để DN không thể phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển và quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng.
Phát triển CNHT là tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng để để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình và thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa. Từ đó tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, CNHT không chỉ giúp các DN sản xuất cạnh tranh ngay tại chính sân nhà với các sản phẩm NK cùng loại mà còn vươn rộng ra thị trường XK.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương cũng khẳng định: "Ngành công nghiệp chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Ngành công nghiệp chế tạo còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày...".
Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong năm 2022 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.