Gỡ điểm nghẽn cho tín dụng xanh hướng tới phát triển bền vững
Đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh được ngành ngân hàng hết sức chú trọng.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cho thấy sự hiểu biết của các TCTD đã được cải thiện đáng kể. Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh... Giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm.
Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo (chiếm 47%) và nông nghiệp sạch (32%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.283 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Tuy đạt được một số kết quản tích cực, song TS. Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nhận định hoạt động tín dụng xanh gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như thiếu danh mục phân loại các dự án được cấp tín dụng xanh với các tiêu chí chuyên ngành cụ thể, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xanh và khuyến khích tạo động lực cho các ngân hàng phát triển tín dụng xanh; các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các TCTD khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay do nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, huy động theo cơ chế thương mại có chi phí cao. Trong khi đó, cán bộ tín dụng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản để thực hiện thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, mà các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro và khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và về mặt tài chính, tài sản bảo đảm…
Thế nhưng, nhìn ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đánh giá động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường.
“Tại các quốc gia có thị trường tài chính phát triển như Mỹ, các quốc gia EU, động lực tăng trưởng tài chính xanh, bao gồm cả tín dụng xanh, trái phiếu xanh chủ yếu đến từ nhu cầu đầu tư của thị trường, những người ra quyết định đầu tư có nhận thức về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các luồng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh phát triển ngày càng gia tăng và đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chứng minh năng lực sản xuất, kinh doanh xanh, thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngược lại, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng xanh giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ tác động chính sách, yêu cầu từ phía NHNN đối với các TCTD trong hệ thống. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dư nợ tài chính xanh tại Việt Nam phần nhiều là do sự hấp dẫn của các ưu đãi đối với tín dụng xanh và yêu cầu chính sách đòi hỏi các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh nhiều hơn”, TS Quỳnh phân tích.
Vì vậy, TS Quỳnh khuyến nghị cần xác định vai trò, chức năng của mỗi cấu phần thị trường tài chính xanh. NHNN có thể xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như công cụ dự trữ bắt buộc, công cụ tái cấp vốn và một số công cụ khác như hạn mức tăng trưởng tín dụng. Thứ hai, thúc đẩy cung và cầu thị trường đối với tài chính xanh. Thứ ba, đẩy nhanh việc ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn chung về “xanh”, áp dụng cho các dự án, chương trình đầu tư xanh. Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường tài chính xanh, từng bước đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tiến tới cấu trúc cơ sở nhà đầu tư với sức cầu ổn định, chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn, có trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, để triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh thành công, cần thiết phải có chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp có tác động xấu đến môi trường và có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp có những hoạt động bảo vệ môi trường…
Chia sẻ dưới góc độ của nhà khoa học, PGS,TS. Phạm Thị Thanh Bình (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, để làm tốt được nhiệm vụ cung cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng thương mại cần khắc phục hạn chế, xây dựng được một khung chiến lược phát triển xanh cho phù hợp để thu hút được vốn.