Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chung tay chống dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp, với nhiều giải pháp đồng bộ mang tính “dài hơi” kết hợp với các giải pháp “đột phá” trước mắt, công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng, tác động sâu sắc bởi đại dịch, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã luôn bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Ngành BHXH đã có nhiều đóng góp quan trọng, chung tay cùng cả nước bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) và chống dịch COVID-19 có hiệu quả.
Triển khai nhiều giải pháp phù hợp trong điều kiện mới
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã đoàn kết, chung sức vượt qua nhiều khó khăn, cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp, với nhiều giải pháp đồng bộ mang tính “dài hơi” kết hợp với các giải pháp “đột phá” trước mắt, công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững.
BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi)…
Đặc biệt, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất, trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật nghề để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) từ quỹ BHTN…
Ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN như: Giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia cho BHXH các tỉnh, thành phố; mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm người chưa tham gia để tập trung khai thác, trong đó, chú trọng vào các nhóm tiềm năng; tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với doanh nghiệp nợ, chậm đóng…
Nhờ đó, đến hết tháng 6/2021, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt được những kết quả tích cực sau (nguồn số liệu kết xuất trên Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH Việt Nam (DWH) lúc 16h00 ngày 5/7/2021):
Toàn quốc ước có 16,17 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,49% lực lượng lao động), trong đó có 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 509.817 người so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng tăng 3,52%); 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 466.586 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 65,89%). Cả nước ước có 87,5 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 2,23%), đạt tỷ lệ 89,63% dân số.
Với sự nỗ lực của toàn Ngành, 6 tháng đầu năm 2021, công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được Ngành BHXH Việt Nam đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định.
Ngành đã giải quyết hưởng mới BHXH hằng tháng cho 38.410 người; 561.570 người hưởng BHXH một lần; hơn 3,5 triệu người hưởng chế độ ốm đau; 340.289 người hưởng mới BHTN. Ngoài ra, toàn quốc có gần 76 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền thanh toán hơn 49.000 tỷ đồng, giảm gần 2 triệu người nhưng tăng 2.343 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ năm 2020.
Ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Đáng chú ý, bộ TTHC của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được cắt giảm từ 27 thủ tục (năm 2020), xuống còn 25 thủ tục; 25/25 thủ tục của BHXH Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW). Chính thức triển khai, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/6/2021, đến nay đã có khoảng trên 11,2 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn
Những ngày cả nước cùng “chống dịch như chống giặc”, thật xúc động khi trong giai đoạn TP Hà Nội giãn cách, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng Đoàn công tác BHXH Việt Nam đã trực tiếp làm việc với UBND TP và BHXH Hà Nội để nắm bắt tình hình, lắng nghe các ý kiến tâm huyết, cùng lãnh đạo thành phố kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh, BHXH chung tay cùng Thủ đô đảm bảo ASXH, góp phần chăm lo cho những người tham gia thụ hưởng chính sách kịp thời.
Cũng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo BHXH Việt Nam, Đoàn công tác BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn làm Trưởng Đoàn và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc liên quan đã khẩn trương đến vùng tâm dịch, đến BHXH 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ giảm bớt khó khăn. BHXH tích cực chung tay cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.
Ở khắp mọi miền Tổ quốc, khắc phục khó khăn do giao thông đi lại bị chia cắt, thời tiết nắng mưa, nhiều địa phương bị phong tỏa, giãn cách, ảnh hưởng bởi đại dịch, cán bộ, công nhân viên BHXH đã kết nối olinne, trực tiếp đi đến vùng tâm dịch, vừa chống dịch, vừa cùng chính quyền, BHXH địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển BHXH với nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao. Những việc làm đó thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời, thể hiện sự ưu việt , đầy nhân văn của chính ASXH của đất nước ta, lan tỏa hình ảnh đẹp của người cán bộ, công nhân viên chức Ngành BHXH Việt Nam.
Nhìn lại những kết quả đáng trân trọng đó chính là do có sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người hưởng như: Xây dựng phương án chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng/ chi trả tại nhà đối với địa bàn bị phong tỏa; tổ chức việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn (tối đa 3 tháng); đảm bảo thanh quyết toán đầy đủ chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch COVID-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; đẩy mạnh giao dịch điện tử;…góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo việc giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch .
Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành quyên góp, ủng hộ kinh phí để trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ trong toàn Ngành cũng đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 với số tiền hàng tỷ đồng…Những kết quả đó của Ngành BHXH đã góp phần cùng cả nước chung tay bảo đảm an sinh xã hội, chống dịch COVID-19 hiệu quả.