Khẩn trương xử lý nhà đất dôi dư

08:22 09/04/2025

Để xử lý 11.034 cơ sở nhà đất dôi dư, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả trên toàn quốc, chuyên gia cho rằng chính quyền và các cơ quan chức năng cần chủ động vào cuộc, không thể kéo dài lãng phí nguồn lực khổng lồ này thêm nữa.

Lãng phí hàng chục nghìn nhà đất đôi dư

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024 cả nước còn 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Con số này, theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới, việc thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, thì số lượng các cơ sở nhà, đất dôi dư tiếp tục tăng lên.

Có thể thống kê một số địa phương có nhiều cơ sở nhà đất dôi dư như tại tỉnh Ninh Bình, đến thời điểm cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 2.773 cơ sở nhà, đất dôi dư cần xử lý, sắp xếp lại. Con số này, tại tỉnh Thanh Hóa là còn gần 500 công sở, nhà đất dôi dư đang bỏ hoang, lãng phí từ năm 2024 đến nay, mặc dù tỉnh này đã phê duyệt điều chuyển 6 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 4 cơ sở nhà, đất của các đơn vị y tế về huyện quản lý và điều chỉnh phương án sắp xếp 4 trụ sở.

Hay tại tỉnh Hoà Bình, hiện trên địa bàn tỉnh còn 259 cơ sở, trong đó, có 201 cơ sở nhà, đất không sử dụng; 58 cơ sở nhà, đất sử dụng kém hiệu quả. Còn tại Nghệ An, tính đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh hiện có 82 cơ sở nhà, đất không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả…

Điều đáng nói, việc bỏ hoang các cơ sở nhà đất lên tới con số hàng chục nghìn đang gây một sự lãng phí rất lớn, tuy nhiên, việc xử lý trong thời gian qua vẫn khá chậm chạp. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan và khách quan, trong đó mỗi địa phương, mỗi cơ sở nhà đất lại có những lý do đặc thù riêng. Ví dụ tại Nghệ An, các trụ sở, cơ quan dôi dư rất khó đấu giá do được xây dựng với đặc thù riêng nên không phù hợp, tương thích với phương án sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp.

Chưa kể, nhiều trụ sở công dôi dư lại nằm ở vị trí các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, không thuận lợi để làm kinh doanh, thương mại, dịch vụ nên khó tìm được đối tượng tham gia đấu giá. Hay như tại Hòa Bình, quá trình xử lý tài sản xuất hiện nhiều khó khăn khi một số nơi vẫn phải tạm thời bố trí một số bộ phận về làm việc tại trụ sở cũ, vì trụ sở mới chưa đáp ứng nhu cầu của công việc. Rồi việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở có diện tích đất lớn gặp khó khăn, do vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các yếu tố khách quan dẫn đến chậm xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư thì vẫn còn tâm lý chủ quan của các nhà quản lý cũng như chính quyền địa phương. Nhiều địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong xử lý nhà, đất dôi dư, để xảy ra tình trạng thiếu hồ sơ nhà, đất; chậm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện do không phù hợp quy hoạch…

Khẩn trương xử lý nhà đất dôi dư -0
Nhà đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực lớn.

Chủ động vào cuộc

Hiện nay, việc quản lý và sử dụng đất đai, trụ sở dôi dư sau sắp xếp được quy định chi tiết trong Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, có 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công, bao gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng, khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu sử dụng nhà, đất phù hợp với tiêu chuẩn, định mức và quy định pháp luật; Thu hồi: Khi nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, vi phạm quy định pháp luật; Điều chuyển: áp dụng khi cần chuyển nhà, đất từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác để sử dụng hiệu quả hơn; Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý: khi nhà, đất không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương, có thể chuyển giao cho địa phương quản lý và sử dụng; và Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng: áp dụng trong trường hợp cần thiết, khi chưa thể thực hiện ngay các hình thức trên. Ngoài ra, Nghị định 03/2025/NĐ-CP cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí và thất thoát tài sản Nhà nước.

Như vậy, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, vấn đề là thực hiện từ địa phương và các cơ quan chức năng. Trao đổi với Báo CAND, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng thời điểm này, việc sắp xếp lại nhà đất dôi dư đang có dấu hiệu chững lại vì trong thời điểm hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đều có tâm lý đợi ổn định bộ máy chính quyền mới. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc để nhà đất dôi dư, lãng phí là câu chuyện vốn có từ trước khi chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy chính quyền được thực hiện, vì vậy, các cơ quan thẩm quyền cần chủ động, không nên để kéo dài gây lãng phí hơn nữa, vì vốn đã rất lãng phí rồi.

Thực tế, trước khi có chủ trương sáp nhập, nhiều cơ quan, chính quyền địa phương đã có các phương án để xử lý, ví dụ như chuyển đổi thành trường học, công viên, hay trung tâm thương mại… “Điều quan trọng nhất vẫn là tính chủ động, sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chứng năng, thì mới có thể giải quyết nhanh chóng, triệt để, không kéo dài và tiếp tục gây lãng phí khối tài sản khổng lồ này này”, ông Minh góp ý.

Được biết, từ phía Bộ Tài chính cũng đang ráo riết đốc thúc công tác này. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết Bộ Tài chính đã hướng dẫn rất chi tiết việc sắp xếp tài sản công khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy trong công văn gửi các bộ ngành và địa phương vào cuối tháng 2 vừa rồi. Bộ cũng đang chủ động xây dựng phương án xử lý tài sản dôi dư sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Phương án này bao gồm việc chuyển giao và quản lý tài sản nhằm đảm bảo tính chủ động.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan đến sử dụng tài sản công để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy và hệ thống chức danh mới. Ông Thịnh cũng nhấn mạnh đến việc Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát sao tiến trình sắp xếp và sẽ trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định ngay sau khi phương án tổ chức bộ máy được phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành và địa phương bố trí, sử dụng và xử lý tài sản dôi dư hiệu quả.

Từ phía các địa phương, UBND TP Hà Nội cho biết đã ban hành công văn về sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất giải pháp điều chỉnh mục đích sử dụng cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; đồng thời chuyển đổi công năng, bố trí cho các đơn vị có nhu cầu hoặc phục vụ cộng đồng dân cư.

Tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả. Đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất này.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Đăng Ái, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết nếu sau sắp xếp bộ máy mà có dôi dư nhà đất, thành phố sẽ ưu tiên bố trí cho các cơ quan, đơn vị thành lập mới chưa có trụ sở. Nếu sau sắp xếp như trên mà vẫn dôi dư sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; giao Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng thuộc Sở Xây dựng quản lý khai thác theo quy định.

Báo cáo tiến độ xử lý trước ngày mùng 5 của tháng đầu quý sau

Tại Công văn số 2950/BTC-QLCS của Bộ Tài chính quy định, định kỳ hằng quý (trước ngày mùng 5 của tháng đầu quý sau) hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương có văn bản báo cáo tiến độ, kết quả xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Hà An

Trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam triển khai tích cực đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu xả Hanayuki Conditioner - Chai 300g do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group và Công ty TNHH EBC Group sản xuất, đưa ra thị trường do có vi phạm; đồng thời tạm dừng hoạt động của hai công ty này.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24-28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.

Sáng sớm 24/5, Hà Nội trời mưa to. Dưới cơn mưa, tại khu vực xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông- nơi đặt linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã có mặt, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn Lễ Quốc tang, phục vụ nhân dân tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hai dự án giao thông quan trọng của TP Cần Thơ là dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917 và dự án đường tỉnh 918 giai đoạn 2 đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu nền tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng.

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đinh Xuân Sáng (SN 1984, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và bị can Vũ Thành Quang (SN 1994, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Giết người” và tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Theo tin từ TAND quận Tây Hồ (Hà Nội), ngày 5/6, cơ quan này sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử tài xế xe Lexus hành hung nam shipper gây bức xúc trong dư luận. Bị cáo là Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 134 BLHS.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.